Tin tức

Cây ngái dùng để chữa bệnh gì?

Ngày 07/01/2024
Tham vấn y khoa:BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây ngái (sung dại) là một loại cây mọc hoang trong tự nhiên có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt có thể điều trị nhiều loại bệnh. Vậy cây ngái dùng để chữa bệnh gì, thông tin dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn hiểu hơn về loài cây này.

1. Đặc điểm sinh học cây ngái

Cây ngáicó nhiều đặc điểm tương đồng với cây sung nên còn được gọi là cây sung dại. Chiều cao trung bình của mỗi cây ngái vào khoảng 5 - 7m. Ngái là cây thân gỗ nhỏ và rỗng. Cành nhái khi còn non rất mềm và được phủ một lớp lông cứng. Khi già, cành cây nhẵn, khỏe.

Thân và quả cây ngái

Thân và quả cây ngái

Lá cây ngái hình trái xoan hoặc bầu dục mọc đối xứng, tròn ở gốc và nhọn dần về phía chóp. Mỗi lá đều có lông nhám ở cả 2 mặt. So với lá sung thì lá ngái to gấp 3 lần và dài khoảng 15 - 30cm.

Cây ngái chủ yếu ra hoa vào tháng 1 - 4. Hoa của loài cây này mọc thành cụm ở cành già và gốc thân. Đến khoảng tháng 5 - 10 thì hoa kết quả trên thân, gần sát với mặt đất. Từng chùm quả ngái dễ làm liên tưởng đến quả sung nhưng kích thước to hơn, có đốm trắng và lông nhám bám ở vỏ quả.

2. Cây ngái được dùng để chữa bệnh gì?

2.1. Bộ phận sử dụng làm dược liệu

Trong y học cổ truyền, mọi bộ phận củacây ngáiđều có thể dùng làm dược liệu:

- Lá cây ngái: thu hoạch bất cứ thời điểm nào trong năm, rửa sạch rồi phơi khô hoặc sao vàng rồi bảo quản nơi khô ráo để dùng dần.

- Vỏ thân cây ngái: thường được thu hoạch vào mùa xuân vì đây là lúc thân cây chứa nhiều nhựa nhất. Sau khi thu hoạch về, lớp vỏ sẽ được cạo sạch rồi ngâm trong nước vo gạo 1 - 2 giờ và thái lát mỏng đem phơi hoặc sấy khô.

- Rễ cây ngái: hay được thu hoạch vào mùa thu sau đó đem rửa sạch đất cát và sấy hoặc phơi.

- Búp lá ngái non: đem rửa sạch và dùng tươi.

- Quả cây ngái: chủ yếu thu hoạch vào mùa đông, khi quả đã chín. Quả có thể được sấy, phơi khô để làm thuốc hoặc đốt thành than để ngâm rượu.

2.2. Công dụng chữa bệnh của cây ngái

Thử nghiệm cây ngái trên loài chuột nhắt trắng đã cho thấy rằng: dùng cành, thân và lá cây ngái đã phơi khô chiết 3 lần với cồn 50 độ để lấy dịch cô ở áp suất giảm 50 độ C cho đến khi khô rồi tiêm vào phúc mạc của loài này liều 250mg/kg thì thân nhiệt của chuột giảm rõ rệt.

Cây ngái có thể dùng để chữa đau lưng, nhức xương

Cây ngái có thể dùng để chữa đau lưng, nhức xương

Y học cổ truyền quan niệm cây ngái tính mát, vị ngọt dịu, có công dụng trừ thấp, thanh nhiệt, hóa đờm, tiêu tích. Quả và hạt cây ngái có thể gây nôn, gây xổ. Phần thân, vỏ, lá, quả xanh của cây ngái có tác dụng chữa mụn nhọt, sốt rét, mất sữa, sốt,tiêu chảy, phù thũng, vàng da, tiêu hóa kém. Rễ cây ngái có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, chữa bí tiểu.

Ngoài ra, cây ngái còn có các công dụng khác như: trị tắc tia sữa, chữa bệnh trĩ, tiêu phù cho người bị tích nước, tăng cường chức năng gan thận,... Liều dùng dược liệu cây ngái dạng sắc uống được khuyến nghị hàng ngày không quá 15 - 30g.

3. Bài thuốc chữa bệnh có cây ngái

- Bài thuốc chữa sốt, sốt rét

Rửa sạch lá cây ngái rồi giã nát, thêm vào một chút nước sau đó vắt lấy nước uống. Trường hợp cần phòng ngừa sốt rét hãy lấy vỏ hoặc lá cây ngái sao vàng rồi nấu lấy nước uống hàng ngày.

- Bài thuốc chữa phù thũng

Ngâm 50g vỏ thân cây ngái trong nước vo gạo khoảng 2 giờ rồi vớt ra, phơi khô sau đó thái nhỏ và sao vàng. Phần dược liệu này kết hợp với 30g lá sung rụng dưới ao, 30g mã đề, 1 nhúm nhỏ bồ hóng, tất cả sắc cùng 400ml nước đến khi còn lại 100ml thì chắt nước ra, chia thành 2 lần uống.

- Bài thuốc chữa tiêu chảy do ngộ độc thức ăn

Dùng 20g rễ màng tang, 20g rễ cây sống rắn, 30g vỏ thân cây ngái đem thái nhỏ, sao vàng và sắc lấy nước uống.

- Bài thuốc chữa đau nhức xương

Sao vàng 1 thang thuốc gồm: 30g rễ si, 30g dây đau xương, 50g rễ cỏ xước, 50g rễ cây ngái sau đó sắc lấy nước để uống.
- Bài thuốc chữa bí tiểu do nhiệt

Dùng 20g cỏ xước, 20g mã đề, 30g rễ cối xay, 50g thổ phục linh, 50g rễ ngái đem rửa sạch và sắc lấy nước dùng trong ngày.

- Bài thuốc chữamụn nhọt

Lấy quả xanh hoặc lá non của cây ngái đem giã nhuyễn rồi đắp trực tiếp lên nốt mụn nhọt.

Khi dùng cây ngái cần thận trọng để tránh ngộ độc nhựa ngái

Khi dùng cây ngái cần thận trọng để tránh ngộ độc nhựa ngái

4. Dược liệu cây ngái có độc không?

Cây ngáilà loài mọc hoang và có thể khai thác tất cả bộ phận để làm dược liệu. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến độc tính của dược liệu này:

- Bản thân cây ngái không độc nhưng nếu dùng quả hoặc vỏ cây khi còn xanh thì có thể chứa độc tính gây nôn, tiêu chảy. Vì thế, nếu dùng phần này làm dược liệu thì cần ngâm trong nước vo gạo, để qua đêm cho loại bỏ nhựa độc rồi mới sử dụng.

- Không nhầm lẫn cây ngái với cây sung để sử dụng hiệu quả. Khi chín, quả cây ngái có màu vàng chứ không phải màu đỏ cam như quả sung; hình dáng của quả ngái dẹt và to về hai bên chứ không tròn như sung.

- Không dùng dược liệu cây ngái cho thai phụ và người đang cho con bú.

- Nếu dùng cây ngái để chữa bệnh cho trẻ em thì chỉ nên dùng liều lượng bằng 1/2 so với người lớn.

- Trước khi sử dụng trong bất cứ bài thuốc nào cần ngâm rửa các bộ phận của cây ngái trong nước muối pha loãng để làm sạch.

Mặc dù cây ngái là dược liệu tự nhiên được lưu truyền từ lâu trong dân gian với nhiều bài thuốc khác nhau; nhưng hiệu quả đạt được ở mỗi người còn phụ thuộc vào cơ địa. Quá trình dùng dược liệu này để chữa bệnh cần trải qua thời gian dài và kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học thì mới đạt được hiệu quả.

Trước khi dùngcây ngáiđể chữa bệnh, tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc đông y để biết cách dùng tốt nhất và tránh được tình trạng ngộ độc nhựa ngái.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map