Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh u phổi có chữa được không và các phương pháp tầm soát u phổi

Ngày 11/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
U phổi có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Nhưng cho dù là dạng nào thì u phổi đều cần thăm khám và điều trị. Nếu chữa trị muộn, sức khỏe người bệnh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí tính mạng cũng có thể bị đe dọa. Vậy, bệnh u phổi có chữa được không và cách phát hiện bệnh lý này như thế nào?

1. Các dạng u phổi có thể gặp phải

1.1. U phổi dạng lành tính

U phổi lành tính phát triển chậm, không có xu hướng di căn hoặc xâm lấn đến các hệ cơ quan lân cận. Chúng ít khi gây nguy hiểm cho cơ thể, trừ khi kích thước quá lớn, chèn ép lên các cơ quan khác. Người bệnh chủ yếu phát hiện u phổi lành tính khi đi kiểm tra sức khỏe, chụp X-quang hoặc chụp CT. Triệu chứng ở người bị dạng u này không thực sự rõ nét. Trong đó, những triệu chứng hay gặp là:

  • Thở khó, hơi thở khò khè. 
  • Ho trong thời gian dài, đôi khi ho ra máu. 
  • Giọng nói khàn dần. 
  • Cân nặng sụt giảm không rõ nguyên nhân. 
  • Cơ thể hay trong trạng thái mệt mỏi. 
  • Sốt, đôi khi kèm theo tình trạng viêm phổi. 

Người bị u phổi lành tính có thể cảm thấy hơi khó thở

1.2. U phổi dạng ác tính 

U phổi ác tính có khả năng phát triển nhanh, gây chèn ép và di căn đến nhiều hệ cơ quan khác. Nếu không chữa trị kịp thời, sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về biểu hiện, u phổi ác tính có triệu chứng tương tự với u phổi lành tính. Việc xác định dạng u chỉ được thực hiện khi người bệnh đến cơ sở y tế, thực hiện các xét nghiêm chẩn đoán giải phẫu bệnh tương ứng. 

Khối u phổi ác tính dễ gây chèn ép, khiến người bệnh đau tức ngực

2. Giải đáp câu hỏi bệnh u phổi có chữa được không? 

Bệnh u phổi có chữa được không sẽ tùy theo đặc điểm khối u. Nếu là dạng u phổi lành tính, kích thước chưa quá lớn, chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, bệnh nhân chỉ cần theo dõi hoặc áp dụng biện pháp điều trị phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp khối u bắt đầu gây chèn ép, chảy máu, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh phẫu thuật. 

Còn với u phổi ác tính, việc điều trị lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn. Tùy thuộc theo kích thước khối u, mức độ di căn,.... bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh. 

Thực tế, rất khó để khẳng định u phổi hay ung thư phổi có điều trị khỏi được hay không. Nếu tế bào ung thư đã xâm nhập vào hệ thống hạch bạch huyết, chúng có xu hướng di căn đến hệ cơ quan khác trong cơ thể. Triển vọng điều trị được cho là khả quan khi tế bào ung thư chưa lan rộng ra ngoài phổi. Ngoài ra, hiệu quả chữa trị ung thư phổi còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như tuổi tác, tình hình sức khỏe, khả năng đáp ứng điều trị,... 

Rất khó để khẳng định chính xác bệnh u phổi có chữa được không

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ kéo dài sự sống thêm 5 năm ở người bị ung thư phổi không tế bào nhỏ, áp dụng theo giai đoạn SEER dao động trong khoảng 9% đến 65%, tùy mức độ di căn. Cụ thể:

  • Ung thư phổi tại chỗ: 65%
  • Ung thư phổi di căn hạch vùng: 37%
  • Ung thư phổi di căn xa: 9%
  • Tất cả giai đoạn SEER kết hợp: 28%

Lưu ý, tỷ lệ trên tổng hợp dựa theo số bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018.

Như vậy, nếu điều trị trong giai đoạn đầu, tỷ lệ sống thêm 5 năm của người bệnh là khá cao. Trước sự phát triển của y học, khả năng người bệnh kéo dài thời gian sống có thể được cải thiện hơn thống kê tổng hợp trước đây. 

3. Các phương pháp chẩn đoán u phổi, ung thư phổi 

3.1. Chụp X-quang

Chụp X-quang phổi cho phép bác sĩ xác định một số thông tin như vị trí, kích thước, mức độ gây tổn thương của khối u,... Ngoài ra, hình ảnh từ phim chụp X-quang, bác sĩ còn có thể xác định tình trạng tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, hạch trung thất,... từ đó đưa ra đánh giá, dự đoán khả năng đáp ứng phẫu thuật. 

Chụp X-quang vùng ngực phục vụ chẩn đoán bệnh lý

3.2. Chụp cắt lớp vi tính liều thấp 

Kỹ thuật chụp CT cắt lớp vi tính liều thấp cung cấp hình ảnh chất lượng, giúp bác sĩ phát hiện bệnh lý về phổi, tìm kiếm dấu hiệu bất thường. Ở phương pháp chụp CT này, lượng bức xạ ion thấp hơn 90% so với kỹ thuật chụp CT ngực thông thường. 

3.3. Xét nghiệm tế bào đờm

Mẫu bệnh phẩm sử dụng trong xét nghiệm này là đờm hay chính là phần chất nhầy mà người bệnh ho ra. Dưới kính hiển vi hiện đại, bác sĩ có thể phát hiện tế bào bất thường trong mẫu đờm. 

Loại hình xét nghiệm này giúp phát hiện sớm u phổi ác tính. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả chuẩn xác, xét nghiệm cần được thực hiện tại cơ sở y tế có điều kiện kỹ thuật tốt. 

3.4. Một số phương pháp chẩn đoán khác 

Ngoài 3 phương pháp chẩn đoán cơ bản trên, bác sĩ đôi khi sẽ chỉ định để người bệnh làm thêm một vài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Đơn cử như: 

  • Chụp CT ngực: Giúp bác sĩ đánh giá chi tiết hơn về những yếu tố mà chụp CT liều thấp chưa phản ánh đầy đủ. 
  • Chụp PET/CT: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến ứng dụng cả máy PET và máy CT kết hợp phóng xạ liều thấp. Nhờ đó, vị trí, diện tích phổi bị tổn thương sẽ được xác định chính xác. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp phát hiện tình trạng di căn xương và tổn thương ở các hệ cơ quan khác.
  • Nội soi phế quản: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này được áp dụng cho phần lớn trường hợp xuất hiện khối u tại phổi. 
  • Siêu âm nội phế quản: Hỗ trợ bác sĩ kiểm tra tình trạng xâm lấn, thực hiện sinh thiết, kiểm tra mạng lưới hạch lân cận nhờ hình ảnh thu thập bằng qua đầu dò. 
  • Chụp MRI sọ não: Kiểm tra, đánh giá những khối u di căn lên não. 
  • Chụp MRI vùng ngực: Giúp cung cấp chi tiết hình ảnh tại nhiều khu vực như vùng trung thất, vùng màng phổi, vùng thành ngực, tim. Thông qua thông tin thu thập được, bác sĩ có thể hiểu hơn về đặc điểm khối u. Phương pháp này cho phép bác sĩ nắm bắt nhiều chi tiết mà kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác không cung cấp đầy đủ. 
  • Các xét nghiệm marker ung thư phổi: Xét nghiệm máu để xác định các chỉ số CEA, CA 12-5,...

4. Phương pháp bảo vệ và phòng ngừa bệnh lý về phổi 

Phổi là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể. Để bảo vệ hệ cơ quan này cũng như phòng ngừa bệnh lý về phổi, bạn nên áp dụng một số thói quen sinh hoạt tốt sau đây: 

  • Không hút thuốc lá theo mọi hình thức. 
  • Vệ sinh môi trường sống xung quanh, loại bỏ yếu tố gây hại ảnh hưởng đến phổi.
  • Áp dụng bài tập hít thở sâu hỗ trợ làm sạch phổi, thúc đẩy hoạt động trao đổi khí. 
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Đồng thời ưu tiên bổ sung rau họ cải, các loại thực phẩm giàu caroten, thực phẩm giàu axit béo Omega 3, thực phẩm giàu vitamin,... 
  • Uống nhiều nước hàng ngày. 
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. 
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ. 

Bạn tuyệt đối không hút thuốc theo mọi hình thức

Nói chung rất khó khẳng định chính xác bệnh u phổi có chữa được không. Tuy nhiên nếu điều trị trong giai đoạn đầu khi tế bào ung thư chưa lan ra ngoài phổi, khả năng sống thêm từ 5 năm trở lên là khá cao. Để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình, bạn nên duy trì lịch khám sức khỏe định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ với MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khoá: u phổi ung thư khối u

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map