Từ điển bệnh lý
Hôi miệng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, xuất phát từ khoang miệng. Cảm nhận về hôi miệng là khác nhau giữa từng người, từng cộng đồng, xã hội. Hôi miệng gây ra sự lo lắng, bối rối, thiếu sự tự tin khi giao tiếp trong xã hội, là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh đến gặp bác sĩ Răng Hàm Mặt.
Hôi miệng gây ra sự lo lắng, bối rối, thiếu sự tự tin khi giao tiếp trong xã hội
Hôi miệng chiếm khoảng 25% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính.
Nguyên nhân Hôi miệng
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hôi miệng, có thể chia thành 2 nhóm chính là: Hôi miệng có nguồn gốc từ khoang miệng và Hôi miệng không có nguồn gốc từ khoang miệng.
Hôi miệng có nguồn gốc từ khoang miệng
Khoảng 90% hôi miệng có nguồn gốc từ trong khoang miệng. Chúng được sản sinh chủ yếu do sự phân hủy các protein thành các aminoacid và các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi. Một số nguyên nhân thường gặp là:
- Mùi hôi có nguồn gốc từ bản thân thức ăn còn đọng lại trong khoang miệng như khi ăn hành, tỏi, sầu riêng, các thực phẩm giàu đạm hoặc thực phẩm có mùi.
Mùi hôi có nguồn gốc từ bản thân thức ăn còn đọng lại trong khoang miệng
- Khô miệng: Nước bọt có vai trò tự nhiên trong việc làm sạch khoang miệng. Vì vậy việc khô miệng do giảm tiết nước bọt (do bệnh lý hoặc giảm tiết tạm thời vào buổi sáng) có thể gây nên tình trạng tích tụ mùi hôi.
- Do vệ sinh răng miệng không tốt, các mảnh vụn thức ăn còn đọng lại trong khoang miệng bị vi khuẩn phân hủy gây ra mùi khó chịu
- Bệnh nha chu: Bệnh nha chu (cao răng, mảng bám, viêm quanh răng…) thường xuyên gây ra tình trạng hôi miệng, do nó tạo thành nhiều vị trí lắng đọng thức ăn thuận lợi cho vi khuẩn bám vào phát triển tạo thành sản phẩm có mùi.
- Do các khí cụ trong miệng như: chất gắn răng giả bị ngấm thức ăn, do hở cổ răng giả, do dắt thức ăn bên dưới gần cầu răng, dắt thức ăn xung quanh khí cụ chỉnh nha, implant.
- Do các vết loét, viêm nhiễm tại chỗ trong miệng, răng bị hở tủy chết tủy.
- Do vệ sinh lưỡi không sạch: Lưỡi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Nhất là những trường hợp lưỡi có lớp cặn bám, giả mạc màu trắng che phủ.
- Các bệnh lý về xương hàm như viêm tủy xương, viêm ổ răng khô, các bệnh lý ác tính của xương hàm và lưỡi.
Hôi miệng không có nguồn gốc từ khoang miệng
- Do thuốc: Một số thuốc có thể gián tiếp tạo ra hôi miệng do chúng làm giảm tiết nước bọt. Các loại thuốc khác có thể gây ra mùi khi chúng phân hủy và giải phóng sản phảm qua hơi thở ví dụ như nitrat, nitrit, phenothiazine …
- Bệnh lý mũi họng: các ổ áp xe ở mũi họng như viêm xoang, viêm amidan có thể là một trong những nguyên nhân nhỏ của hôi miệng.
- Bệnh lý dạ dày: bệnh trào ngược dạ dày thực quản và nhiều bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng hơi thở hôi.
- Chế độ ăn kiêng ít cacbonhydrate có thể gây nên hôi miệng do sự phân giải chất béo tạo ra các xeton có mùi.
- Hội chứng mùi cá ươn: là một hội chứng di truyền hiếm gặp do bệnh nhân không chuyển hóa được trimethylamine trong thực phẩm, dẫn đến nó tích tụ trong cơ thể và gây mùi.
- Ngoài ra, hôi miệng có thể là biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân (môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi).
Triệu chứng Hôi miệng
- Mùi hôi sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân và tùy vào cảm nhận của mỗi người. Thường thì sẽ rất khó để một người có thể tự đánh giá mùi hôi miệng của chính mình. Tốt nhất nên nhờ một người thân đánh giá mùi hôi miệng của mình.
Mùi hôi sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân và tùy vào cảm nhận của mỗi người
- Có một cách khác để phát hiện đó là liếm cổ tay, để khô rồi ngửi. Nếu vùng cổ tay có mùi hôi, rất có thể bạn đã bị chứng hôi miệng.
- Ngoài ra, trong một số trường hợp, một số người luôn cho rằng mình bị hôi miệng và thiếu tự tin dù họ rất ít hoặc không bị hôi miệng. Tình trạng này có thể gây nên hành vi làm sạch miệng ám ảnh.
Các biện pháp chẩn đoán Hôi miệng
Thông thường bác sĩ sẽ ngửi hơi thở của một người nghi mắc chứng hơi thở hôi. Sau đó kết hợp với khám trực tiếp trên miệng để xác định các bệnh lý nguyên nhân.
Các biện pháp điều trị Hôi miệng
Điều trị chứng hôi miệng là điều trị các bệnh lý nguyên nhân gây nên tình trạng hôi miệng kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tạo ra hơi thở thơm mát. Các biện pháp để điều trị chứng hôi miệng có thể chia thành điều trị tại nhà và điều trị tại bệnh viện, các biện pháp này bao gồm:
Điều trị tại nhà
- Tránh ăn các thực phẩm có mùi như hành, tỏi, kiêng hút thuốc lá, đồ uống có cồn.
- Chải răng đúng cách: chải răng 2 lần 1 ngày (sau ăn sáng và buổi tối trước khi đi ngủ) có thể làm giảm sự tích tụ mảng bám cũng như lấy cặn thức ăn thừa trong miệng, qua đó giúp làm giảm sự hình thành mùi hôi. Ngoài ra trong kem đánh răng cũng có các chất có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn và trung hòa các chất gây mùi khó chịu. Chú ý chải lưỡi trong lúc chải răng. Sau một thời gian, vi khuẩn sẽ bám vào bàn chải gây giảm hiệu quả vệ sinh răng miệng, vì vậy cần phải thay bàn chải 03 tháng một lần.
Kem đánh răng có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn và trung hòa các chất gây mùi khó chịu
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa, tăm nước: đây là các biện pháp hỗ trợ, phối hợp cùng chải răng làm sạch thức ăn và mảng bám tại các vị trí mà bàn chải khó làm sạch được như kẽ răng hàm, gầm cầu răng giả, qua đó giúp giảm tình trạng hôi miệng.
- Chú ý vệ sinh răng giả, cầu răng, hàm giả tháo lắp hàng ngày theo hướng dẫn của bác sỹ.
- Làm sạch bề mặt lưỡi: Khi đánh răng cần chú ý làm sạch bề mặt lưỡi, nhất là lưng lưỡi một cách nhẹ nhàng.
- Tránh để khô miệng: uống nhiều nước, hạn chế các sản phẩm có cồn, thuốc lá. Nhai kẹo cao su giúp tăng tiết nước bọt.
- Khám răng hàm mặt định kỳ 06 tháng/lần, hoặc 3 - 4 tháng/lần với người có nguy cơ cao.
Các biện pháp làm giảm hôi miệng tại bệnh viện
Nếu đã vệ sinh răng miệng tốt mà vẫn còn mùi khó chịu, bạn nên đến khám chuyên khoa răng hàm mặt để tìm nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị tại bệnh viện tùy theo nguyên nhân gây mùi, bao gồm:
- Lấy cao răng, mảng bám, vệ sinh răng miệng: Khi có nhiều cao răng trong miệng sẽ tạo nên những vị trí thuận lợi cho khuẩn phát triển mà không thể tự làm sạch tại nhà được. Việc lấy cao răng sẽ lấy đi các vị trí thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, trực tiếp giúp giảm mùi hôi, đồng thời về lâu dài cũng giúp các biện pháp vệ sinh tại nhà phát huy tác dụng.
- Điều trị bệnh lý quanh răng: các tổn thương nha chu với túi lợi sâu tạo thành các ổ vi khuẩn gây mùi khó chịu. Thường thì các vị trí này không thể tự làm sạch được tại nhà. Việc điều trị bệnh nha chu sẽ giúp loại bỏ túi nha chu cũng như các ổ vi khuẩn này, làm giảm mùi hôi.
- Điều trị các vết loét tại chỗ, các tổn thương nội nha gây mùi và các tổn thương khác (nếu có).
- Nếu có các tổn thương toàn thân liên quan, bác sĩ Răng hàm mặt sẽ hướng dẫn bạn đến chuyên khoa phù hợp (tai mũi họng, tiêu hóa,...).
Tổng kết
Chứng hôi miệng là một vấn đề thường gặp, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi. Phần lớn nguyên nhân gây ra hôi miệng là do các vi khuẩn tại khoang miệng, ngoài ra còn có thể do các bệnh ở vị trí khác như tai mũi họng, tiêu hóa, bệnh toàn thân gây nên.
Vệ sinh răng miệng tốt kết hợp giữa chải răng đúng cách, chỉ tơ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng là những biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả giúp làm giảm hôi miệng. Ngoài ra đi khám răng hàm mặt cũng rất cần thiết nếu các biện pháp tại nhà không phát huy tác dụng. Các bác sỹ sẽ giúp phát hiện nguyên nhân và có những biện pháp điều trị phù với từng nguyên nhân để đạt hiệu quả cao nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Rosenberg, M (2002). “The science of bad breath”
- Nachnani, S (2011). “Oral malodor: Causes, assessment, and treatment”
- Tonzetich, J (1977). “Production and origin of oral malodor: A review of mechanisms and methods of analysis”
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!