Tin tức

Bị viêm gan B không nên uống thuốc gì? Làm sao để kiểm soát bệnh?

Ngày 07/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người mắc viêm gan B vẫn có thể sống khỏe mạnh và lâu dài. Ngoài những loại thuốc cần phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh viêm gan B không nên uống thuốc gì và phải làm sao để kiểm soát bệnh hiệu quả?

1. Viêm gan B là gì? Khi nào cần dùng thuốc kháng virus viêm gan B?

Bệnh viêm gan B do virus HBV gây ra và được phân thành 2 dạng bệnh là cấp tính và mạn tính. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường diễn biến thầm lặng và không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, vàng da, vàng mắt, đau bụng, phân nhạt màu, nước tiểu có màu sẫm hơn bình thường,...

Bệnh viêm gan B thường có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi

Bệnh viêm gan B thường có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi

Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, dẫn đến xơ gan, ung thư gan, làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan. Những bệnh nhân viêm gan B mạn tính có hệ miễn dịch yếu, dù đã được điều trị nhưng vẫn có thể tái phát bệnh, dẫn tới tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí gây suy gan. 

Không phải tất cả các bệnh nhân mắc viêm gan B đều cần phải điều trị. Với các trường hợp bị viêm gan B mạn tính nhưng không có tổn thương gan có thể không cần dùng thuốc kháng virus. 

Nếu bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B từ 6 tháng trở lên và xảy ra tổn thương gan do virus thì bác sĩ có thể cân nhắc về vấn đề dùng thuốc kháng virus viêm gan B để làm chậm tốc độ phát triển của virus và hạn chế tình trạng tổn thương trên nhu mô gan. 

Không nên tự ý dùng thuốc kháng virus mà chỉ dùng thuốc nếu có yêu cầu của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Dù sức khỏe của người bệnh đã ổn định khi dùng thuốc thì vẫn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và kịp thời xử trí. 

- Thời gian tái khám khi mới điều trị là sau khoảng 1 tháng dùng thuốc. Nếu sức khỏe người bệnh ổn định thì thời gian tái khám sẽ là khoảng 3 hay 6 tháng hoặc 1 năm sau. 

Bệnh nhân nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Bệnh nhân nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

- Người bệnh cần uống thuốc đều đặn và đúng liều lượng. Việc quên thuốc chỉ 1 ngày/tháng thì không đáng lo ngại, tuy nhiên, nếu người bệnh thường xuyên quên uống thuốc thì sẽ tạo điều kiện cho virus kháng thuốc, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị. 

- Khi dùng thuốc kháng virus, bệnh nhân cũng cần kiêng bia rượu và thuốc lá để tránh làm tổn thương gan. 

2. Người bị viêm gan B không nên uống thuốc gì?

Người bị viêm gan B cần phải thận trọng trong việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh khác, kể cả những loại vitamin hay thảo dược, thực phẩm chức năng,... Một số loại thuốc có thể gây tương tác với thuốc kháng virus viêm gan B, khiến cho tình trạng tổn thương gan càng thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phục hồi chức năng gan và khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng. 

Do đó, người bệnh viêm gan B dùng các loại thuốc điều trị khác cần chú ý: 

  • Tránh dùng các loại thuốc có khả năng cao gây độc cho gan. 
  • Phối hợp cùng bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc gan. 
  • Hạn chế tối đa việc dùng nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng trong cùng một thời điểm.

Dưới đây là lời giải đáp cụ thể cho thắc mắc “Người bị viêm gan B không nên uống thuốc gì”:

Người bị viêm gan B cần thận trọng khi dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác

Người bị viêm gan B cần thận trọng khi dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác

- Các loại thuốc giảm đau chống viêm: Tuy rằng có thể giúp bạn giảm đau hiệu quả và chỉ trong thời gian ngắn nhưng các loại thuốc giảm đau thường gây hại cho gan. Chẳng hạn, việc sử dụng Paracetamol quá liều hoặc khoảng cách giữa mỗi lần dùng thuốc quá gần nhau thì sẽ gây tổn thương gan. Dùng diclofenac ở những trường hợp viêm gan mức độ nặng có thể gây phù. Một số loại thuốc như acetylsalicylic acid, hay ibuprofen,... có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Các loại thuốc giảm đau như morphin, codein,... có thể gây hôn mê.

- Thuốc kháng sinh:

+ Nhóm thuốc beta-lactam: Không nên cho người bệnh dùng thuốc quá 14 ngày trong một đợt điều trị. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi chức năng gan. Một số bệnh nhân, đặc biệt là nhóm tuổi từ 65 trở lên dễ bị vàng da sau điều trị. 

+ Nhóm macrolid: Có thể gây độc cho gan, gây vàng da hay làm rối loạn chức năng gan. 

+ Nhóm quinolon: Có thể gây viêm gan hoại tử, chỉ dùng cho người bệnh khi thực sự cần thiết. 

+ Các loại kháng sinh khác: Nên hạn chế dùng hoặc giảm liều để tránh gây tổn thương gan. 

- Các loại thuốc điều trị khác:

+ Thuốc chữa tiểu đường: Với những trường hợp bị suy tế bào gan thì không nên dùng vì có thể gây vàng da. 

+ Thuốc chống ung thư, chẳng hạn như methothrexat: Nếu dùng liên tục có thể dẫn đến xơ gan. Vì thế, thuốc không dùng cho những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng ở gan. Sau khi sử dụng, một lượng nhỏ của thuốc có thể sẽ đọng lại trong gan và thận khoảng nhiều tuần sau đó. 

+ Các thuốc kháng histamin: Cần cẩn trọng dùng và bác sĩ sẽ lưu ý với từng trường hợp cụ thể. 

+ Một số loại thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến tình trạng thiếu kali và tăng nguy cơ hôn mê. 

+ Các thuốc chống hen (chẳng hạn như aminophylin hay theophylin): Nếu thật sự cần dùng thì phải giảm liều. 

+ Thuốc điều trị loét dạ dày, tá tràng: Những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho người bệnh. 

+ Thuốc chống nấm (chẳng hạn như ketoconazol hay griseofulvin): Không nên dùng với những bệnh nhân bị tổn thương gan nặng. 

3. Lưu ý

Ngoài thắc mắc “Người bị viêm gan B không nên uống thuốc gì”, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:

- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách có thể giúp bệnh nhân giảm triệu chứng bệnh và tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh nên ăn uống khoa học, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ, ăn những loại đạm dễ tiêu như đậu phụ, cá,... Ưu tiên những món ăn mềm và ăn khi nguội. Đồng thời, cần hạn chế ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn, nên ăn nhạt và hạn chế ăn đồ chua, cay. Đặc biệt không nên uống bia rượu. 

Bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác

Bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác

Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc “Người bị viêm gan B không nên uống thuốc gì” và một số lưu ý giúp người bệnh viêm gan B có thể kiểm soát bệnh hiệu quả. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, mời quý khách hàng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map