Tin tức

Cây si: dược liệu chữa bệnh ít ai biết tới

Ngày 17/09/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung
Cây si vốn là loài mọc hoang nhưng hiện nay có rất nhiều người ưa trồng làm cảnh trong vườn nhà. Điều ít ai biết tới là có những bài thuốc dùng cây si để chữa bệnh đã được dân gian lưu truyền qua nhiều năm. Vậy dược liệu này được dùng để chữa bệnh gì, sau đây MEDLATEC sẽ cùng giới thiệu cụ thể để bạn được rõ.

1. Đặc điểm sinh học của cây si

Cây si (cây cừa, cây gừa) thuộc họ Dâu tằm, thân gỗ, tuổi thọ có thể đến hàng trăm năm. Cây trưởng thành ngoài tự nhiên có thể cao đến 25m nhưng nếu trồng làm cảnh trong chậu thì thường thấp và nhỏ. Vỏ thân cây si màu trắng xám, hơi nhẵn. 

Lá cây si hình bầu dục, xanh thẫm mọc so le, dài 10 - 15cm, rộng 5 - 6cm, phần chóp lá có thể bo tròn hoặc nhọn. Cuống lá si dài 1.5 - 3.5cm. Khi còn non, lá có lông trắng.

Cây si thường ra quả vào tháng 5 - 6. Quả si mọc ở đầu cành non, chụm lại thành cụm, hơi giống với quả sung. Quả si không có cuống, đường kính trung bình 10 - 12mm. Giai đoạn non, quả có màu xanh, khi chín quả chuyển sang màu đỏ và chín già quả sẽ có màu tím đen. 

Vào mùa mưa, cây si đâm chồi mạnh. Khi thời tiết khô hạn hoặc cây bị thiếu nước sẽ chậm phát triển, ngọn cây hay có vảy trắng, thân cây cũng có các nốt lồi trắng.

Các nhánh của cây si thường mọc ra từ gốc và phát triển theo nhiều hướng. Cây tăng trưởng càng nhanh thì trên thân cây càng nổi nhiều cục tròn.

Điểm nổi bật của cây si là bộ rễ phụ dạng chùm, mọc ra từ thân và cành sau đó trải dài xuống, đâm vào lòng đất để lấy dinh dưỡng. Khi chạm đất, rễ sẽ ngày càng phát triển, thậm chí có những cụm rễ to như cột trụ chống đỡ lấy thân, giúp cây si càng bám trụ vững chắc.

Si là loài cây dễ sống, dễ trồng, ưa điều kiện khí hậu nhiều ánh sáng nhưng cần đủ ẩm, không chịu được rét và nắng gắt. Chỉ cần giâm một nhánh cây xuống đất là cây mới được mọc lên. 

Si vốn là loài cây mọc hoang, thường được trồng lấy bóng mát hoặc trồng trong chậu tạo dáng bonsai để làm cảnh. Nguồn gốc của cây si xuất phát từ Ấn Độ, Lào, Sri Lanka,... và thường mọc ở vùng nước thủy triều lên xuống, kênh rạch,... Ở nước ta, cây si có thể dễ dàng tìm thấy ở các đình, chùa, rừng núi đá,...

Cây si được tạo dáng bonsai để trồng làm cảnh

Cây si được tạo dáng bonsai để trồng làm cảnh

2. Cách thu hái, sử dụng dược liệu cây si

Phần nhựa trắng chích ra từ thân cây, lá và rễ phụ của cây si có thể được dùng như một loại dược liệu. Nhựa thường được chích từ thân, cho vào rượu để uống. Rễ sau khi thu hoạch sẽ được làm sạch, thái khúc ngắn, sao vàng, sắc uống hoặc ngâm rượu để sử dụng theo nhu cầu. 

Liều dùng dược liệu cây si không quá 40g/ngày.

3. Công dụng chữa bệnh của cây si dược liệu

3.1. Công dụng chữa bệnh của cây si

Y học cổ truyền cho rằng rễ phụ của cây si có tính mát, vị hơi se đắng, lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu viêm. Dân gian thường dùng dược liệu này để chữa tụ máu do chấn thương, té ngã, đau nhức xương khớp, ho mạn tính, hen suyễn,...

Dân gian dùng cây si chữa đau nhức xương khớp

Dân gian dùng cây si chữa đau nhức xương khớp

3.2. Bài thuốc dân gian chữa bệnh với dược liệu cây si

- Chữa hen suyễn cấp tính

+ Nguyên liệu: nhựa cây si 10ml, rượu trắng 10ml.

+ Cách thực hiện: ngâm nhựa si với rượu rồi uống hàng ngày.

- Chữa tụ máu do chấn thương

+ Nguyên liệu: rễ phụ cây si 100g.

+ Cách thực hiện: rửa sạch rễ cây si rồi giã nhuyễn, thêm vào chút nước rồi cho vào chảo, đảo nóng sau đó đặt vào một chiếc khăn mỏng và đắp lên vết thương. Hoặc cũng có thể làm cách khác là sau khi giã nhuyễn thì cho nước vào, bóp đều rồi vắt lấy phần nước để uống còn phần bã đắp trực tiếp lên vết thương.

- Giảm đau xương khớp

+ Nguyên liệu: nhựa cây si 10 - 20ml.

+ Cách thực hiện: ngâm nhựa cây si với rượu theo đúng tỷ lệ 1:1 rồi dùng uống ngay hoặc thêm rượu để xoa bóp lên vùng bị đau nhức.

- Giảm đau mỏi lưng, chân tay tê bì

+ Nguyên liệu: 25g rễ phụ cây si.

+ Cách thực hiện: dược liệu cần được rửa sạch, thái khúc, sao vàng rồi sắc nước uống liên tiếp 5 - 7 ngày.

- Chữa lở loét da

+ Nguyên liệu: dầu lạc 1/2 chén, lá cây si 30g.

+ Cách thực hiện: rửa sạch lá cây si sau đó giã thật nhuyễn rồi thêm dầu lạc vào, cho lên bếp nấu sôi thì tắt bếp và để nguội. Dùng phần nước thu được thoa khắp vết thương.

- Dự phòng cúm

+ Nguyên liệu: 30g mỗi loại: lá bạch đàn và lá si tươi.

+ Cách thực hiện: rửa sạch dược liệu rồi sắc lấy nước uống.

- Chữa viêm ruột cấp

+ Nguyên liệu: 500g lá si tươi.

+ Cách thực hiện: rửa sạch lá cây si, nấu lấy nước uống 2 lần/ngày.

- Chữa viêm phế quản mạn tính

+ Nguyên liệu: 18g vỏ quýt, 75g lá si tươi.

+ Cách thực hiện: sắc nguyên liệu đã chuẩn bị lấy nước chia thành 3 lần uống trong ngày, duy trì liên tiếp 10 ngày.

Bài thuốc chữa bệnh với cây si vẫn chưa có kiểm nghiệm khoa học, không nên tự ý thực hiện

Bài thuốc chữa bệnh với cây si vẫn chưa có kiểm nghiệm khoa học, không nên tự ý thực hiện

4. Lưu ý khi chữa bệnh dân gian với bài thuốc từ cây si

Ở nước ta, si là loài cây mọc hoang rất dễ tìm và nhiều công trình công cộng, vườn cây hoặc chậu cảnh của gia đình cũng trồng cây si. Những bài thuốc sử dụng cây si chữa bệnh ở trên đều được dân gian lưu truyền nhiều năm. Hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được tính dược lý của cây si.

Cũng như các loại dược liệu tự nhiên khác, muốn sử dụng hiệu quả cần biết được chính xác tình trạng sức khỏe, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ,... Những điều này đòi hỏi cần có sự kiểm tra, đánh giá bởi người có trình độ chuyên môn. Vì thế, để việc dùng cây si chữa bệnh không gây hệ lụy cho sức khỏe, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tham khảo ý kiến.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map