Tin tức
Chi tiết lịch khám thai định kỳ theo từng tam cá nguyệt
- 19/08/2024 | Từ nay đến hết 31/10/2024, MEDLATEC miễn phí khám thai, giảm 20% siêu âm thai 4D
- 21/08/2024 | Khám thai ở đâu tốt Thành phố Hồ Chí Minh? Lưu ý gì khi đi khám thai?
- 01/10/2024 | Điểm danh các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần biết
1. Tại sao phải khám thai định kỳ?
Lý do chính của việc khám thai định kỳ là theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và đánh giá sự phát triển của thai nhi. Không dừng lại đó, trong khi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ để có những biện pháp ngăn chặn hoặc loại bỏ, từ đó, đảm bảo cả mẹ bầu lẫn thai nhi đều được an toàn, tránh được các rủi ro biến chứng thai kỳ như như sảy thai, thai lưu, thai chết non,…
Đặc biệt, tại các cột mốc quan trọng của thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Qua đó, có những hướng dẫn cũng như các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tóm lại, tất cả các mẹ bầu cần và nên khám thai định kỳ theo hướng dẫn để nắm được tình hình sức khỏe của bản thân, đồng thời, theo dõi được sự tăng trưởng của em bé trong bụng. Nếu có bất thường cũng được phát hiện sớm và có hướng xử trí phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng với những mẹ bầu có bệnh lý nền hoặc tiền sử sảy thai, thai lưu, sinh non, những lần sinh trước em bé có vấn đề về bệnh lý bẩm sinh, dị tật,...
Khám thai định kỳ là việc mà tất cả mẹ bầu cần thực hiện trong suốt thai kỳ
2. Lịch khám thai định kỳ theo từng tam cá nguyệt
Trung bình, mẹ bầu có khoảng 10 lần khám thai trong một thai kỳ, được phân chia theo từng tam cá nguyệt.
Tam cá nguyệt thứ nhất
Ở tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu cần khám thai ở mốc 5 - 8 tuần và 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày.
Mốc khám thai 5 - 8 tuần
Mốc khám thai này giúp xác định chính xác mẹ bầu có mang thai không, nếu có thì vị trí phôi thai làm tổ ở đâu. Ngoài ra, bác sĩ cũng nghe được tim thai và tính được ngày dự sinh trong lần khám thai này, đồng thời tư vấn cho mẹ bầu cần thay đổi như thế nào trong chế độ ăn uống, sinh hoạt để tốt cho thai kỳ.
Mốc khám thai 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày
Đây là mốc khám thai quan trọng trong lịch khám thai định kỳ. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm thai 4D kiểm tra độ mờ da gáy cũng như các chỉ số thai khác để sàng lọc nguy cơ mắc hội chứng Down hay các hội chứng khác ở thai nhi. Đồng thời ở mốc khám thai này, mẹ bầu được thực hiện các xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Double test hoặc NIPT), tổng phân tích máu, sinh hóa máu, các bệnh truyền nhiễm và nhiễm trùng khi mang thai (hội chứng TORCH), xét nghiệm nước tiểu.
Đo độ mờ da gáy được thực hiện ở tuần thai thứ 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày
Tam cá nguyệt thứ hai
Bước vào ba tháng giữa thai kỳ, tức tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu sẽ thực hiện các mốc khám thai sau.
Mốc khám thai 16 - 18 tuần
Thực hiện siêu âm thai để theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi. Với mẹ bầu có tiền sử sinh non hoặc đã làm thủ thuật ở cổ tử cung, bác sĩ sẽ đo chiều dài kênh cổ tử cung ở mốc thai này. Ngoài ra, có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Triple test hoặc NIPT), cùng như các xét nghiệm máu , nước tiểu nếu như mẹ bầu chưa được thực hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất.
Mốc khám thai 20 - 22 tuần
Trong lịch khám thai định kỳ, đây cũng là mốc quan trọng. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm thai 4D khảo sát hình thái thai nhi để phát hiện các dị tật bẩm sinh; các bất thường ở những cơ quan quan trọng như não, tim, hệ tiêu hóa, cột sống, cũng như các phần phụ của thai như nước ối, nhau thai,.... Đối với mẹ bầu, mũi vắc xin phòng ngừa uốn ván thứ nhất sẽ được tiêm trong lần khám thai này.
Mốc khám thai 24 - 28 tuần
Ở lần khám thai này, ngoài siêu âm để theo dõi và đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và tiêm mũi vắc xin phòng ngừa uốn ván thứ hai. Trường hợp mẹ bầu được xác định viêm gan B trước đó thì sẽ thực hiện thêm xét nghiệm máu để cân nhắc việc điều trị, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho em bé.
Mẹ bầu tiêm mũi vắc xin phòng ngừa uốn ván thứ hai khi thai được 24 - 28 tuần
Tam cá nguyệt thứ ba
Mẹ bầu có thể sẽ khám thai thường xuyên hơn vào những tháng cuối của thai kỳ.
Mốc khám thai 30 - 32 tuần
Ngoài thăm khám sức khỏe mẹ bầu và siêu âm thai nhi như thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện thêm siêu âm hình thái học. Mục đích của việc này là phát hiện những bất thường, dị tật xảy ra muộn khi thai nhi đã bước vào giai đoạn tam cá nguyệt cuối của thai kỳ.
Mốc khám thai 34 - 36 tuần
Ở giai đoạn này, mẹ bầu có thể sẽ khám thai mỗi 2 tuần một lần để bác sĩ theo dõi ngôi thai, nước ối và nhau thai, trọng lượng thai. Mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến cử động thai cũng như các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu, thai máy ít,…
Mốc khám thai 36 - 40 tuần
Bước vào tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu nên khám thai mỗi tuần một lần. Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ hơn trọng lượng thai nhi, ngôi thai, nước ối, bánh nhau để có những hướng dẫn phù hợp cho mẹ bầu. Ngoài ra, mẹ bầu được thực hiện các xét nghiệm sản khoa cơ bản, đánh giá cổ tử cung và khung chậu để tiên lượng khả năng sinh thường và sinh mổ.
Càng về cuối thai kỳ, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên hơn
Nhiều trường hợp thai đã quá 40 tuần nhưng chưa có dấu hiệu sinh, mẹ bầu nên khám 2 ngày/ lần. Sau mỗi lần khám, bác sĩ sẽ quyết định chờ đợi dấu hiệu sinh hay can thiệp sinh cho phù hợp.
Trên đây là lịch khám thai định kỳ để các mẹ bầu tham khảo. Lưu ý lịch chỉ thể hiện các mốc khám thai quan trọng dành cho tất cả mẹ bầu. Nhiều trường hợp, mẹ bầu có thể sẽ khám nhiều hơn, thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ. Quan trọng là mẹ bầu phải tuân thủ chỉ định này để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, thuận lợi.
Mọi nhu cầu tư vấn dịch vụ hay đặt lịch khám thai tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!