Tin tức

Chuyên gia phân tích nguyên nhân rối loạn giấc ngủ và cách điều trị thích hợp

Ngày 22/09/2022
Tham vấn y khoa:BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Khó ngủ không phải là tình trạng hiếm gặp và có thể là do nhiều yếu tố tác động đến chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên nếu như bạn thường xuyên bị khó ngủ vào ban đêm và mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày thì có khả năng bạn đang gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ.

1. Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng nhịp độ sinh học của cơ thể về giấc ngủ bị đảo lộn, không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Rối loạn giấc ngủ được biểu hiện theo nhiều dạng khác nhau, các chuyên gia đã phân loại rối loạn giấc ngủ dựa trên nguyên nhân, biểu hiện của bệnh. Cụ thể:

  • Mất ngủ: là khi bạn rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm và khó ngủ lại được;

  • Ngưng thở khi ngủ: bệnh nhân bị thay đổi bất thường về nhịp thở khi đang ngủ. Người bệnh thở thoi thóp hoặc thậm chí là ngừng thở trong 10 - 30 giây, điều này lặp đi lặp lại nhiều lần trong giấc ngủ;

  • Chứng ngủ rũ: đây là hiện tượng bệnh nhân cảm thấy vô cùng buồn ngủ vào ban ngày,mệt mỏikhông rõ nguyên do và có thể ngủ thiếp đi lúc nào không hay;

  • Hội chứng chân không yên: hay còn được biết đến với tên gọi là bệnh Willis-Ekbom là dạng rối loạn chuyển động trong khi ngủ. Bệnh nhân khi mắc hội chứng này sẽ có cảm giác bứt rứt khó chịu, thôi thúc bệnh nhân phải đứng lên vận động di chuyển mặc dù đang cố gắng đi ngủ;

  • Bệnhmất ngủgiả: người bệnh khi bị mất ngủ giả thường có các biểu hiện bất thường trong giấc ngủ như nói mớ, mộng du, đái dầm, hay gặp ác mộng, nghiến răng khi ngủ và nhiều hiện tượng khác.

Mất ngủ là một trong số các dạng biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ

Mất ngủ là một trong số các dạng biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ

Những dạng rối loạn giấc ngủ nêu trên có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Do đó để biết được lý do của tình trạng này người bệnh nên đi khám và có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.

2. Các dấu hiệu chung của tình trạng rối loạn giấc ngủ

Tùy thuộc vào nguyên nhân, phân loại rối loạn và tính chất nghiêm trọng mà biểu hiện của rối loạn giấc ngủ ở mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng thông thường đa phần bệnh nhân sẽ có các triệu chứng chung như sau:

  • Ban đêm khó ngủ, ngủ trằn trọc không sâu giấc, hay tỉnh giấc giữa chừng, còn ban ngày thì mệt mỏi và buồn ngủ nhiều;

  • Năng suất làm việc giảm;

  • Tâm trạng thay đổi: hay lo lắng và dễ nổi cáu;

  • Gặp các vấn đề liên quan tới hô hấp;

  • Xảy ra các thay đổi không chủ đích trong lịch trình sinh hoạt khi thức và khi ngủ;

  • Xuất hiện các hành vi bất thường khi đang ngủ;

  • Thiếu tập trung, tăng cân,trầm cảm.

Rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh dễ cáu gắt và nổi nóng

Rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh dễ cáu gắt và nổi nóng

Nhìn chung nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bệnh nhân tự điều chỉnh được thì không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thường nhật và sức khỏe thể chất, tinh thần của bệnh nhân thì hãy đi khám để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, tư vấn cách điều trị hợp lý.

3. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ là do đâu?

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

  • Tiểu đêm nhiều lần: việc buồn tiểu liên tục vào ban đêm sẽ khiến bệnh nhân phải thức dậy để đi giải quyết nhu cầu. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý đường tiết niệu hoặc mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ;

  • Mẹ bầu ở những tháng cuối thai kỳ: ở giai đoạn này thai thường to khiến mẹ bầu chỉ có thể nằm nghiêng về một bên khi ngủ, tư thế ngủ không được thoải mái. Bên cạnh đó thai nhi gia tăng về kích thước gây chèn ép các cơ quan trong ổ bụng của mẹ, trong đó có hệ hô hấp vàbàng quangkhiến mẹkhó thở, hay buồn tiểu đêm khi đang nằm ngủ. Nhiều mẹ bầu còn trải qua các triệu chứng khác như chuột rút, đau nhức xương khớp, bại hông,... trong thai kỳ càng khiến giấc ngủ ban đêm không được trọn vẹn. Đến khi thức giấc mẹ bầu không tránh khỏi sự mệt mỏi, uể oải và các cơn buồn ngủ ban ngày;

  • Dị ứng hoặc gặp vấn đề về hô hấp: cảm lạnh, dị ứng hay nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc hít thở một cách bình thường qua mũi. Triệu chứng này đôi khi còn tăng nặng về đêm nên người bệnh khó có thể ngủ yên giấc;

  • Các cơn đau mạn tính: do bị viêm ruột, viêm khớp, nhức đầu dai dẳng, đau cơ xơ hóa, đau lưng dưới mạn tính,... và nhiều bệnh lý khác cũng là các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.

Bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ luôn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng hôm sau

Bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ luôn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng hôm sau

4. Rối loạn giấc ngủ có thể khắc phục bằng biện pháp nào?

Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ đơn giản như thay đổi thói quen đi ngủ, điều chỉnh lịch ngủ, tạo môi trường thư giãn, thoải mái hơn trong không gian ngủ và lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp hơn.

Đối với những trường hợp nặng hơn thì bạn cần điều trị y khoa dựa trên nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ là gì. Các biện pháp thường được chỉ định trong việc cải thiện tình trạng này bao gồm:

  • Sử dụng thuốc có tác dụng khắc phục các vấn đề sức khỏe là nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ như thuốc nghẹt mũi, thuốc cảm, thuốc dị ứng,...;

  • Dùng chất bổ sung melatonin;

  • Điều trị chứng nghiến răng khi ngủ bằng dụng cụ bảo vệ răng miệng;

  • Phẫu thuật hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ hô hấp đối với những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ.

Ngoài ra để kiểm soát chứng rối loạn khi ngủ, người bệnh cũng nên tích cực áp dụng thói quen sinh hoạt như sau:

  • Luôn suy nghĩ tích cực, hạn chế căng thẳng, lo âu: tâm trạng thoải mái sẽ giúp thần kinh được thả lỏng và tiết ra hormone hạnh phúc, do đó bạn nên gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực để có một đêm ngon giấc trọn vẹn;

  • Tạo môi trường ngủ thoải mái: đảm bảo răng phòng ngủ của bạn luôn yên tĩnh, thoáng mát và tối. Hãy thử sử dụng nút bịt tai hoặc tiếng ồn trắng để dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra nếu bạn dễ bị tỉnh giấc bởi ánh sáng thì nên dùng bịt mắt hoặc đổi sang loại rèm che sáng tốt hơn;

  • Không làm việc khác khi đã lên giường đi ngủ: không nên dùng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, laptop, hoặc ăn uống và làm việc trước khi đi ngủ;

  • Hạn chế sử dụng chất kích thích: không nên uống nhiều cà phê, trà, ca cao, soda, hút thuốc lá hay uống rượu bia ít nhất 4 giờ trước khi ngủ;

  • Không nên ngủ trưa quá lâu: mỗi người chỉ nên dành ra khoảng 30 phút cho một giấc ngủ trưa và không làm điều này sau 3 giờ chiều;

  • Áp dụng thói quen lành mạnh: ngâm chân nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng trước khi đi ngủ. Ngoài ra bạn cũng có thể thiền định, tập các động tác thư giãn trước giờ đi ngủ sẽ khiến chất lượng giấc ngủ được cải thiện rõ rệt;

  • Thường xuyên tập thể dục: tập thể dục thể thao điều độ sẽ giúp gia tăng tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe và cải thiện giấc ngủ.

Nếu bạn dễ bị tỉnh giấc bởi ánh sáng thì nên dùng bịt mắt hoặc đổi sang loại rèm che sáng tốt hơn

Nếu bạn dễ bị tỉnh giấc bởi ánh sáng thì nên dùng bịt mắt hoặc đổi sang loại rèm che sáng tốt hơn

Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng rối loạn giấc ngủ. Nếu bạn đang gặp phải hiện tượng này và không biết nguyên nhân do đâu, nên khắc phục như thế nào thì hãy đến thăm khám tại Chuyên khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị hiệu quả. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ trực tiếp qua tổng đài1900 56 56 56của MEDLATEC, tổng đài viên sẽ giúp bạn đặt lịch khám và tư vấn cụ thể hơn về các dịch vụ tại viện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map