Tin tức
Đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường và cách phòng ngừa biến chứng bệnh
- 29/08/2024 | Thời điểm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và địa chỉ xét nghiệm uy tín
- 11/09/2024 | Nguyên nhân dẫn đến biến chứng tiểu đường: Hiểu rõ để phòng tránh
- 13/09/2024 | Những điều cần chú ý khi mắc tiểu đường thai kỳ
- 13/09/2024 | Chuyên gia giải đáp: Lượng đường huyết bao nhiêu thì bị tiểu đường?
1. Vì sao người bệnh tiểu đường thường xuyên đi tiểu?
Người mắc bệnh tiểu đường có thói quen đi tiểu nhiều lần do những nguyên nhân dưới đây:
Người bệnh tiểu đường đi tiểu rất nhiều lần trong ngày
- Do đường huyết cao: Khi lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường, thận sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tái hấp thu lượng đường dư thừa trong nước tiểu. Việc không thể xử lý hoàn toàn lượng đường dư thừa này sẽ tạo ra lượng tiểu lớn và khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều lần hơn bình thường.
- Tăng độ thẩm thấu của máu: Đây là tình trạng một số thành phần hóa học trong phần chất lỏng sau lọc của thận tăng lên đồng thời gây tình trạng lợi niệu thẩm thấu, khiến thận hoạt động kém hiệu quả, từ đó khiến lượng nước tiểu tạo ra nhiều hơn bình thường gây đi tiểu nhiều.
- Uống quá nhiều nước: Người bệnh tiểu đường thường xuyên cảm thấy khát và uống nước nhiều hơn bình thường và đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến họ đi tiểu thường xuyên hơn.
2. Nước tiểu của người bị tiểu đường có đặc điểm gì?
Khi mắc tiểu đường, nước tiểu của người bệnh cũng có thể xuất hiện những thay đổi bất thường. Dưới đây là một số đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường:
- Những thay đổi về màu sắc: Nước tiểu thường có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, nước tiểu thường bị đục hơn so với người không mắc bệnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:
Nước tiểu của người bệnh thường đục hơn
+ Hàm lượng đường trong máu cao, thận loại bỏ đường qua nước tiểu khiến nước tiểu có màu đục hơn bình thường.
+Biến chứng thận hư: Nếu lượng đường trong máu tăng cao trong suốt một thời gian dài, thận sẽ mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều áp lực để đào thải lượng đường dư thừa và có thể dẫn đến biến chứng thận hư, bệnh thận mạn tính. Khi đó, các phân tử lớn như protein có thể xuất hiện trong nước tiểu và khiến màu nước tiểu đục hơn.
+ Nhiễm trùng đường tiết niệu: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiểu. Khi đó, tế bào bạch cầu sẽ tăng lên để tiêu diệt vi khuẩn. Sau đó, những tế bào bạch cầu đã chết sẽ được loại bỏ qua đường tiểu. Đây cũng chính là lý do khiến nước tiểu có màu đục.
Mùi nước tiểu cũng có thể thay đổi
- Thay đổi về mùi: Nếu nước tiểu của bạn có mùi ngọt hoặc mùi trái cây thì rất có thể là do glucose được đào thải vào nước tiểu và đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Nếu bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, nước tiểu có mùi ngọt có thể cho thấy bệnh nhân chưa được kiểm soát đường huyết hiệu quả. Bên cạnh đó, nước tiểu mùi ngọt có thể do ăn kiêng quá mức, thừa ceton trong máu hoặc do bệnh nhân mắc các vấn đề chuyển hóa khác.
3. Các dấu hiệu bệnh tiểu đường
Không chỉ nước tiểu của người bị tiểu đường có sự thay đổi mà cơ thể bệnh nhân còn có thể xảy ra nhiều bất thường khác. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm bệnh tiểu đường:
- Đói và mệt mỏi: Đây là biểu hiện rất phổ biến của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân đã ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể không sử dụng đường máu một cách hiệu quả để các tế bào có thể tạo ra năng lượng. Đó chính là lý do bệnh nhân hay cảm thấy mệt và đói, thậm chí ngay khi vừa ăn xong.
- Đi tiểu thường xuyên và khát nước: Khi càng đi tiểu nhiều lần, người bệnh lại càng cảm thấy khát nước hơn.
- Gầy sút cân nhanh.
- Khô miệng và ngứa da: Có thể do đi tiểu nhiều lần nên người bệnh dễ có cảm giác bị khô miệng, khó chịu. Bên cạnh đó, lượng đường máu cao cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và tuần hoàn, dẫn đến tình trạng ngứa da.
- Nhìn mờ: Bệnh tiểu đường có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu và các dây thần kinh trong mắt, từ đó gây ra những vấn đề về thị lực. Người bệnh có thể bị giảm tầm nhìn, nhìn mờ.
- Vết thương hở lâu lành: Nếu thấy vết thương lâu lành hơn bình thường, thậm chí vết cắt không lành thì bạn nên đi khám sớm vì đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
- Mất cảm giác hoặc tê ở tay và chân cũng có thể là biểu hiện của bệnh tiểu đường.
4. Phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường
Những biến chứng tiểu đường rất nguy hiểm, không chỉ làm giảm chất lượng sống mà còn có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó, nếu bị tiểu đường, bạn cần áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh nguy cơ biến chứng. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Cố gắng duy trì đường huyết ở mức ổn định: Để có thể làm được điều này, việc quan trọng nhất là tuân thủ chế độ ăn uống và luyện tập vận động cũng như uống thuốc đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý giảm hay thay đổi liều thuốc,... để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Đây là căn bệnh mạn tính và chế độ ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường là hãy thực hiện ăn uống khoa học trong một thời gian dài. Đặc biệt, nên ưu tiên những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, hạn chế ăn tinh bột hay các loại thực phẩm chứa nhiều đường và không nên ăn những thực phẩm có chứa chất béo trans và chất béo bão hòa.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Bệnh nhân có thể lựa chọn những môn thể thao mà mình yêu thích, chẳng hạn như chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp,...
- Giữ vệ sinh đường tiết niệu: Người bệnh tiểu đường thường xuyên đi tiểu và dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, do đó vệ sinh và chăm sóc vùng kín đúng cách là vô cùng quan trọng.
Bạn nên đi khám sớm nếu nghi ngờ mắc tiểu đường
- Kiểm tra định kỳ, chẳng hạn như xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận,... để phát hiện sớm biến chứng và khắc phục kịp thời, hiệu quả.
- Ngoài những vấn đề trên, bệnh nhân cũng nên hạn chế hút thuốc và không tiếp xúc với hóa chất độc hại. Đặc biệt, nên ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và luôn suy nghĩ tích cực.
Trên đây là những đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường và một số lưu ý để hạn chế biến chứng bệnh. Nếu thấy nước tiểu có màu đục và mùi bất thường, bạn nên đi khám sớm.
Nếu có nhu cầu đặt lịch tiểu đường tại viện hay sử dụng dịch vụ lấy mẫu tiểu đường tận nơi, hoặc muốn sử dụng các dịch vụ xét nghiệm khác của Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!