Tin tức

Điểm danh các loại thuốc điều trị cường giáp và lưu ý khi sử dụng

Ngày 22/04/2022
Tham vấn y khoa:BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Cường giáp là một trong những bệnh lý tuyến giáp hay gặp nhất. Thuốc điều trị cường giáp được chia làm 3 nhóm và những loại thuốc này đều có hiệu quả nhất định đối với hầu hết các ca bệnh. Để cùng tìm hiểu rõ hơn về thuốc điều trị cường giáp, hãy cùng MEDLATEC nghiên cứu qua những thông tin dưới đây.

1. Tổng quan về thuốc điều trị cường giáp

Bởi vì ít gây biến chứng cho người bệnh nên thuốc điều trị cường giáp chính là chỉ định đầu tiên được bác sĩ ưu tiên lựa chọn. Có 3 nhóm thuốc điều trị cơ bản đó là i-ốt phóng xạ, thuốc kháng giáp và thuốc chẹn beta. Trong đó, công dụng của i-ốt phóng xạ là phá hủytuyến giáp, thuốc kháng giáp ngăn cản sự hoạt động quá mức của tuyến giáp và để giảm nhẹ các triệu chứng của cường giáp thì cần áp dụng thuốc chẹn beta.

Thống kê ghi nhận được có tới hơn 90% bệnh nhân cường giáp bình phục nhờ sử dụng 1 trong 3 hoặc là cả 3 loại thuốc nêu trên. Những trường hợp còn lại không khỏi bệnh là do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như phát hiện bệnh khi đã muộn, bệnh đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như cơn bão giáp, mắt lồi,...

Cần hết sức lưu ý là khi kê đơn bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người để quyết định loại thuốc cũng như liều dùng sao cho phù hợp. Vì thế người bệnh không tự ý mua thuốc để uống để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn.

2. Chi tiết về các loại thuốc điều trị cường giáp

2.1. Thuốc kháng giáp

Chức năng của thuốc kháng giáp là giúp tuyến giáp giảm tiết hormon và sẽ bắt đầu có tác dụng đầu tiên sau 1 - 3 tháng sử dụng. Sau đó bác sĩ sẽ điều chỉnh giảm dần liều lượng cho tới khi hoàn tất liệu trình. Nếu thấy bệnh thuyên giảm, bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc đột ngột vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp biến chứng bão giáp vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Dưới đây là 2 loại thuốc kháng giáp thường dùng:

  • Propylthiouracil (PTU):

  • Đây là thuốc ưu tiên lựa chọn vì dùng được cho cả phụ nữ có thai. Những mẹ bầu khi điều trị cường giáp bằng thuốc này thì nguy cơ sảy thai là rất thấp, thậm chí là không có nguy cơ này;

  • Dạng đóng gói: thuốc viên 50mg. Người bệnh cần uống 8 tiếng/lần chia 3 liều bằng nhau. Cần duy trì lịch uống thuốc đều đặn để thuốc phát huy hết tác dụng.

  • Methimazole:

  • Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ mà bệnh nhân có thể dùng thuốc từ 1 - 3 lần/ngày;

  • Thuốc có dạng viên loại 5mg và 10mg và tác dụng nhanh hơn khi dùng PTU.

Thuốc kháng giáp và tác dụng phụ:

Thuốc có rất ít phản ứng phụ. Nếu có chỉ chiếm 1 - 3% trường hợp. Một số tác dụng phụ có thể gặp đó là:

  • Ngứa ngáy, phát ban;

  • Sốt;

  • Rụng tóc;

  • Phù, buồn nôn, tức ngực;

  • Đau đầu;

  • Đau nhức xương khớp;

  • Hiếm gặp: giảm bạch cầu đột ngột, tổn thương gan, cảm cúm. Lúc này người bệnh cần tới gặp bác sĩ ngay.

Thuốc điều trị cường giáp là chỉ định đầu tiên được bác sĩ ưu tiên lựa chọn

Thuốc điều trị cường giáp là chỉ định đầu tiên được bác sĩ ưu tiên lựa chọn

Nhìn chung 2 loại thuốc trên đều có công dụng là bảo vệ tuyến giáp và có tác dụng trong vòng 12 tháng dùng liên tục. Tuy nhiênbệnh cường giápthường có dấu hiệu tái phát nhất là khi người bệnh chuyển sang giai đoạn giảm liều thuốc đang dùng. Có nhiều trường hợp người bệnh phải uống liên tục từ 12 - 18 tháng, có khi là gắn bó với thuốc cả đời. Vì vậy bác sĩ có thể sẽ cân nhắc đổi sang phương pháp điều trị khác nếu bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc bị tái phát cường giáp thường xuyên khi giảm liều.

2.2. Thuốc i-ốt phóng xạ

Dạng bào chế của i-ốt phóng xạ là thuốc viên. Có chế hoạt động tự nhiên của tuyến giáp đó là hấp thụ i-ốt phóng xạ phục vụ cho quá trình tổng hợp hormone giáp. Sau khi uống thuốc, i-ốt phóng xạ sẽ đi vào máu và sáp nhập vào tuyến giáp. Thay vì giúp tuyến giáp tổng hợp hormon thì phóng xạ sẽ hủy hoại dần tuyến giáp để khiến cơ quan này dần mất đi khả năng tiết ra hormon giáp. Nhờ đó đẩy lui được bệnh cường giáp.

Thuốc thường sẽ có tác dụng khi dùng khoảng 6 tháng. Trong quá trình này, bệnh nhân cần dùng kết hợp với thuốc chẹn beta để hạn chế các triệu chứng cường giáp.

Có tới 90% bệnh nhân khỏi bệnh sau 1 liều i-ốt phóng xạ duy nhất. Số còn lại phải dùng tới liều thứ 2 và nếu đã dùng 2 liều mà bệnh vẫn chưa khỏi thì sẽ phải cân nhắc tới phương án phẫu thuật để điều trị dứt điểm.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc:

  • Buồn nôn, nôn;

  • Luôn cảm thấy có vị kim loại trong miệng. Để khắc phục, bệnh nhân có thể thêm đường vào món ăn để cải thiện khẩu vị;

  • Viêm tuyến nước bọt: sưng 1 hoặc cả 2 bên cằm trong vài tuần. Để dễ chịu hơn, bệnh nhân nên uống một chút nước chanh pha đường;

  • Suy giáp: mặc dù có tác dụng điều trị cường giáp nhưng i-ốt phóng xạ cũng có thể gây suy giáp. Do đó, người bệnh có thể sẽ phải dùng levothyroxine suốt đời.

Một số loại thuốc kháng giáp có thể khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy

Một số loại thuốc kháng giáp có thể khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy

Lưu ý khi sử dụng i-ốt phóng xạ:

  • Phụ nữ mang thai, có kế hoạch mang thai trong vòng 6 tháng tới hoặc phụ nữ đang cho con bú không được dùng;

  • Sau khi uống thuốc nên ngủ một mình trong vòng 5 ngày. Điều này nhằm ngăn chặn việc phóng xạ sẽ làm ảnh hưởng tới người xung quanh;

  • Tránh ra khỏi nhà trong vòng 3 ngày đầu tiên dùng thuốc;

  • Uống nhiều nước;

  • Không tiếp xúc với trẻ em trong tuần đầu tiên sau khi uống thuốc;

  • Không dùng chung đồ cá nhân như khăn tắm, bàn chải,... với người khác;

  • Làm sạch kỹ bồn cầu sau khi đi vệ sinh;

  • Thường xuyên rửa tay và vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

2.3. Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta giúp bệnh nhân quản lý tốt các triệu chứng cường giáp cho tới khi thuốc điều trị chính bắt đầu phát huy tác dụng. Những triệu chứng này bao gồm nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài, run rẩy,...

Ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán bị cường giáp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chẹn beta và khởi đầu với liều thấp nhất, sau đó tăng dần đến khi các triệu chứng được kiểm soát hoàn toàn.

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc chẹn beta đó là chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hoá. Nếu gặp phải những hiện tượng này, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác thích hợp hơn.

Lưu ý khi dùng thuốc chẹn beta đối với các trường hợp:

  • Người lớn tuổi bị cường giáp có thể không đáp ứng với thuốc chẹn beta;

  • Trước khi dùng thuốc chẹn beta, nếu đang mắc các bệnh như huyết áp thấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh về đường hô hấp, hen suyễn thì cần báo ngay với bác sĩ. Đặc biệt ở những người đang bị hen suyễn, thuốc chẹn beta sẽ khiến cho triệu chứng của hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn;

  • Không uống nước ép bưởi khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc;

  • Thuốc chẹn beta còn có tác dụng phụ là tăng độ nhạy cảm của cơ thể với môi trường bên ngoài. Do đó trong quá trình điều trị bằng thuốc này, người bệnh cần bảo vệ da để tránh khỏi các phản ứng như cháy nắng, dị ứng, phát ban,...

Thuốc chẹn beta thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của bệnh cho đến khi thuốc điều trị chính phát huy tác dụng

Thuốc chẹn beta thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của bệnh cho đến khi thuốc điều trị chính phát huy tác dụng

Tóm lại, cường giáp là loại bệnh đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để chữa trị. Vì thế người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh có những tiến triển tích cực.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ uy tín trong việc thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến tuyến giáp nói riêng và các vấn đề về sức khỏe khác nói chung. Bệnh viện là nơi quy tụ các chuyên gia đầu ngành chuyên môn giỏi, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hệ thống máy móc xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP giúp kết quả chính xác hơn. Bên cạnh đó, MEDLATEC còn được trang bị hệ thống các thiết bị chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, MRI,... tiên tiến, hiện đại hỗ trợ hiệu quả trong việc việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Quý bạn đọc hãy liên hệ Tổng đài1900 56 56 56để được tổng đài viên của MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map