Tin tức
Khám tiền mê là gì và những điều ít người biết
- 01/05/2024 | Nội soi dạ dày không gây mê: đối tượng, quy trình thực hiện và ưu - nhược điểm
- 01/05/2024 | Nội soi dạ dày gây mê: giải đáp mọi thắc mắc trước khi thực hiện
1. Khám tiền mê là gì?
Phẫu thuật hay ngoại khoa là một phương pháp điều trị y khoa sử dụng kỹ thuật và công cụ hỗ trợ dùng trong điều trị và chẩn đoán bệnh. Phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng nên bác sĩ rất cân nhắc và thận trọng. Để hạn chế tối đa các nguy cơ tiềm ẩn, bạn sẽ được khám tiền mê trước khi vào phòng mổ. Vậy khám tiền mê là gì?
Nói dễ hiểu nhất, khám tiền mê là quy trình khám được thực hiện trước khi gây mê và làm phẫu thuật cho người bệnh. Khám tiền mê là bắt buộc với tất cả các trường hợp được chỉ định làm phẫu thuật. Điều này có nghĩa, dù bạn thực hiện phẫu thuật gì, ở cơ sở y tế nào cũng sẽ được khám tiền mê cẩn thận, đúng quy trình.
Khám tiền mê được thực hiện kỹ càng trước khi làm phẫu thuật
2. Mục đích của khám tiền mê
Ngoài thắc mắc khám tiền mê là gì, nhiều người cũng không biết tại sao phải khám tiền mê. Theo đó, 2 mục tiêu lớn nhất của khám tiền mê là ổn định tâm lý người bệnh và giúp bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe bệnh nhân, cụ thể như sau.
Ổn định tâm lý người bệnh
Trước khi được làm phẫu thuật, tâm lý chung của người bệnh là căng thẳng, lo lắng, sợ hãi. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình mổ cũng như việc hồi phục sau này. Để giải tỏa tâm lý cho người bệnh, trong khi khám tiền mê, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể về cuộc phẫu thuật. Đồng thời, những thắc mắc, lo âu của người bệnh cũng được bác sĩ “gỡ rối” để người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm hơn.
Đánh giá sức khỏe bệnh nhân
Đây là mục tiêu chính của khám tiền mê. Trong khi khám tiền mê, bác sĩ sẽ phát hiện bệnh lý nền hoặc những bất thường khác của người bệnh, từ đó cân nhắc quyết định có mổ hay không, điều trị sau mổ như thế nào.
Ngoài ra, tùy vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ áp dụng phương pháp vô cảm (gây tê hay gây mê) cho phù hợp. Dù là phương pháp nào cũng phải đáp ứng yêu cầu người bệnh chịu đựng được, khả năng hồi phục sau mổ cao. Đặc biệt, nếu có khó khăn hay xảy ra sự cố, tai biến trong quá trình gây tê, gây mê hoặc phẫu thuật thì cũng có phương án xử lý triệt để, hiệu quả.
Và cuối cùng, sau khi khám tiền mê, bác sĩ sẽ thống nhất thời gian gây mê và làm phẫu thuật, sau đó thông báo cho người bệnh. Người bệnh và gia đình có được sự chuẩn bị tốt nhất, đảm bảo ca mổ diễn ra đúng kế hoạch và thành công như mong đợi.
Khám tiền mê giúp bác sĩ nắm bắt tình hình sức khỏe và tâm lý người bệnh
3. Quy trình khám tiền mê
Phần trên giúp bạn hiểu được khám tiền mê là gì và mục đích của khám tiền mê. Ở phần này, chúng ta cùng tìm hiểu quy trình khám tiền mê diễn ra như thế nào.
Khai thác tiền sử bệnh
Đầu tiên, bác sĩ kiểm tra kỹ hồ sơ bệnh án của người bệnh để nắm được bệnh lý hiện tại, kết quả các xét nghiệm và chẩn đoán trước đó. Sau đó, bác sĩ trực tiếp khai thác thông tin bệnh sử của người bệnh, đặc biệt là tiền sử dị ứng, thói quen sinh hoạt,… Cuối cùng, bác sĩ nắm bắt sơ bộ trạng thái sức khỏe, tinh thần của người bệnh khi được đưa vào phòng khám tiền mê và trò chuyện với bác sĩ.
Khám thực thể
Ở bước khám này, bác sĩ tiến hành khám hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, cột sống để nắm bắt rõ hơn dấu hiệu sinh tồn của người bệnh. Đặc biệt, khám kỹ ở mũi, miệng, họng để xem xét khả năng đặt nội khí quản và tình trạng thông khí trong khi làm phẫu thuật. Ngoài ra, vùng cơ thể được gây tê hay vùng cơ thể có sẹo do phẫu thuật trước đó cũng được kiểm tra, thăm khám cẩn thận.
Khám cận lâm sàng
Bác sĩ kiểm tra các kết quả xét nghiệm trước đó một lần nữa. Trường hợp có bất thường và cần thiết, người bệnh có thể sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm bổ sung. Nếu mọi thứ ổn, bác sĩ thông báo đầy đủ, chính xác thời gian gây mê và làm phẫu thuật để người bệnh và gia đình chuẩn bị, sắp xếp.
Bác sĩ xem cẩn thận kết quả xét nghiệm và có thể chỉ định xét nghiệm bổ sung
4. Kết quả đánh giá sau khám tiền mê
Sau khám tiền mê, tình hình sức khỏe của người bệnh sẽ được bác sĩ đánh giá theo tiêu chuẩn ASA của Hiệp hội gây mê Hoa Kỳ, cụ thể như sau.
- ASA1: Sức khỏe tốt, không có vấn đề đáng lo ngại.
- ASA2: Bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- ASA3: Bệnh nhân mắc bệnh lý nền và có ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt hàng ngày.
- ASA4: Bệnh nhân mắc bệnh lý nền nguy hiểm như tim bẩm sinh, hen phế quản nặng,…
- ASA5: Bệnh nhân tiên lượng nặng, dù thực hiện phẫu thuật hay không thì khả năng sống sau 24 giờ rất thấp.
Bên cạnh tiêu chuẩn ASA, đánh giá sau khám tiền mê còn được dựa vào thang điểm Goldman. Thang điểm này tập trung vào biến chứng tim mạch, được phân thành 4 loại:
- Loại I: Từ 0 - 5 điểm, có 1% nguy cơ.
- Loại II: Từ 6 - 12 điểm, có 7% nguy cơ.
- Loại III: Từ 13 - 25 điểm, có 14% nguy cơ.
- Loại IV: Từ 26 -53 điểm, có 78% nguy cơ.
Nếu kết quả khám tiền mê ổn, người bệnh sẽ được làm phẫu thuật
Tóm lại, khám tiền mê là quy trình khám bắt buộc trước khi phẫu thuật. Quy trình khám này được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng để đánh giá chính xác tình hình sức khỏe bệnh nhân, đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro, tai biến trong và sau khi phẫu thuật.
Kết quả đánh giá sau khám được bác sĩ thông báo cho người bệnh; đồng thời cũng là cơ sở để bác sĩ đưa ra quyết định người bệnh đủ điều kiện làm phẫu thuật không, dự đoán tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật, dự đoán các yếu tố nguy cơ, lựa chọn phương pháp gây tê hay gây mê cho bệnh nhân.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn nắm được khám tiền mê là gì cùng nhiều thông tin hữu ích khác. Để đặt lịch khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!