Tin tức
Lý giải nguyên nhân khiến mắt bị đau nhức và cách xử trí
1. Mắt bị đau nhức là như thế nào?
Nhức mắt là một biểu hiện cho thấy mắt bị rối loạn điều tiết do bị quá tải, làm việc cường độ cao và không được nghỉ ngơi đầy đủ. Nhức mắt cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó và có thể nhức 1 bên mắt hoặc nhức cả 2 bên.
Mắt bị đau nhức thường kèm mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu
Hiện tượng mắt bị đau nhức thường đi kèm với các biểu hiện khác như: mỏi mắt, thị lực giảm, khô mắt, song thị, chảy nước mắt nhiều, nhạy cảm với ánh sáng, đau đầu,... Tất cả biểu hiện này gây nên cảm giác khó chịu, mất tập trung, mệt mỏi từ đó khiến người bệnh bị giảm sút hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.
2. Tại sao mắt bị đau nhức?
Hiện tượng mắt bị đau nhức có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
2.1. Hội chứng thị giác màn hình
Nguyên nhân gây nên hội chứng này là do tiếp xúc với ánh sáng từ màn hình thiết bị điện tử, đèn huỳnh quang, đèn led,… làm tổn thương tế bào võng mạc, rối loạn điều tiết mắt, chết tế bào thị giác, suy giảm thị lực,...
Biểu hiện phổ biến của hội chứng thị giác màn hình là mắt bị đau nhức, mỏi, tập trung kém,...
2.2. Đục thủy tinh thể
Một trong các dấu hiệu đục thủy tinh thể là nhìn thấy chấm đen, mắt bị lóa sáng, nhìn mờ, nhức mỏi mắt,... Bệnh là kết quả của tình trạng chất độc hại tấn công, làm thủy tinh thể bị mờ đục. Khi mắc bệnh, thủy tinh thể không mềm dẻo như bình thường và giảm khả năng điều tiết linh hoạt, vì thế việc tiếp nhận ánh sáng từ bên ngoài ngày càng kém, thị lực suy giảm, mắt bị đau nhức và mờ dần.
2.3. Thoái hóa điểm vàng
Bệnh thoái hóa điểm vàng khiến người bệnh nhìn méo mó, hình ảnh bị biến dạng, rối loạn màu sắc, nhìn thấy điểm đen trước mắt,... từ đó sinh ra hệ lụy là nhức mỏi mắt, nhìn đôi,...
Thoái hóa điểm vàng là một trong các nguyên nhân khiến mắt bị đau nhức
2.4. Bệnh cườm nước (glocom)
Đây là tình trạng tổn thương thần kinh thị giác gây nên bởi sự tăng lên của áp suất bên trong mắt. Hầu hết các trường hợp bị cườm nước không có triệu chứng rõ ràng nhưng người bệnh sẽ bị đỏ mắt, mỏi mắt, buồn nôn, mắt bị đau nhức, đau đầu,... Bệnh không được điều trị có thể gây mù lòa.
2.5. Bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp xảy ra khi có vấn đề về lượng thủy dịch trong mắt nên không thể điều tiết như bình thường từ đó gây áp lực cho mắt, tổn thương dây thần kinh thị giác và mù lòa vĩnh viễn.
Người bị tăng nhãn áp thường có biểu hiện: mắt bị đau nhức, đau đầu, buồn nôn, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng,...
2.6. Bị khô mắt
Mắt bị khô rát do tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, ô nhiễm không khí, tuổi tác,... có thể sẽ kèm theo hiện tượng đau nhức, rát, khô, đỏ mắt. Tình trạng này xảy ra khi lượng nước tự nhiên trong mắt bị suy giảm nên không đảm bảo chức năng duy trì độ ẩm bình thường.
2.7. Viêm xoang
Xoang hốc mắt và xoang mũi có liên hệ chặt chẽ về cấu trúc nên viêm nhiễm xảy ra ở xoang mũi cũng dễ tạo áp lực cho mắt. Mắt bị đau nhức do viêm xoang có thể xảy ra với một hoặc hai bên mắt nhưng mức độ không nghiêm trọng bằng chứng đau nửa đầu.
2.8. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu xảy ra khi gặp vấn đề về tuần hoàn máu, thần kinh hay gặp bất ổn ở não bộ. Bệnh thường gây nên các triệu chứng: buồn nôn, mắt bị đau nhức, sợ ánh sáng,... Bệnh đau nửa đầu hay xảy ra với những người bị thiếu ngủ trầm trọng, stress trong thời gian dài, lạm dụng chất kích thích,...
Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên đây thì mắt bị đau nhức còn có thể do chấn thương, tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng chói, mắc bệnh khúc xạ mắt, có dị vật trong mắt,...
3. Biện pháp điều trị khi mắt bị đau nhức
Khi mắt bị đau nhức, thực hiện một số biện pháp dưới đây sẽ giúp cải thiện tạm thời tình trạng này:
Bị đau nhức mắt kéo dài nên khám bác sĩ nhãn khoa để tìm nguyên nhân
- Cho mắt được nghỉ ngơi: nghỉ ngơi và tránh ánh sáng khoảng vài ngày, dừng đeo kính áp tròng để thay bằng kính gọng nếu bị tật khúc xạ. Đây là cách giúp cải thiện tình trạng đau nhức mắt.
- Chườm ấm: giảm sưng, nhức, đỏ mắt với những trường hợp bị mắt bị viêm.
- Nhỏ nước muối sinh lý: nếu mắt có hóa chất hay dị vật bên trong gây đau nhức thì việc làm này sẽ khiến cho các tác nhân đó bị đẩy trôi ra bên ngoài.
- Khám bác sĩ chuyên khoa: nếu đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ giảm đau nhức mắt ở trên nhưng không hiệu quả thì nên đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám để tìm ra nguyên nhân.
Như đã nói ở trên, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mắt bị đau nhức nên tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp như dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng dị ứng, kháng viêm, kháng sinh,...
Với trường hợp dị mắt bị tổn thương do bỏng hay dị vật có thể sẽ phải phẫu thuật (rất hiếm). Ngoài ra, người bị tăng nhãn áp có thể sẽ được điều trị phẫu thuật laser để giúp cho hệ thống dẫn lưu nước trong mắt được cải thiện.
Khám mắt định kỳ cũng là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mắt. Trong những lần thăm khám này, bạn sẽ được thực hiện các biện pháp kiểm tra cần thiết, giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường ở mắt để có hướng can thiệp kịp thời.
Qua nội dung bài viết trên đây hy vọng bạn đã hiểu hơn về nguyên nhân khiến mắt bị đau nhức và cách xử trí khi gặp phải tình trạng này. Nhức mỏi mắt thường xuyên, kéo dài là hiện tượng không thể chủ quan bởi nó có thể cảnh báo bệnh lý nguy hiểm cho mắt.
Nếu mắt bị đau nhức kéo dài mà chưa rõ nguyên nhân, bạn có thể liên hệ đặt trước lịch khám với bác sĩ nhãn khoa qua hotline1900 56 56 56củaMEDLATEC.Bằng cách này bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa Mắt đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chẩn đoán đúng về tình trạng mắt của mình và biết phải làm sao để chấm dứt tình trạng ấy một cách hiệu quả mà không gây ảnh hưởng tiêu cực cho mắt.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!