Tin tức

Nguyên nhân bị căng cơ bắp chân là gì và cách chữa trị hiệu quả

Ngày 08/09/2023
Tham vấn y khoa:BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Căng cơ bắp chân là hiện tượng rất phổ biến thường xảy ra khi chúng ta vận động, chạy nhảy, trượt chân,... Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh bị khó chịu, đau đớn mà có thể gây ra biến chứng rách cơ bắp chân hoàn toàn. Vậy nguyên nhân bị căng cơ bắp chân là gì và làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng MEDLATEC phân tích và tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.

1. Dấu hiệu nhận biết căng cơ bắp chân

Bắp chân là nhóm cơ nằm ở phần mặt sau của ống chân. Căng cơ bắp chân có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là những vận động viên thể thao. Một số triệu chứng của căng cơ bắp chân người bệnh có thể dễ dàng nhận ra đó là:

  • Có cảm giác đau âm ỉ, tê ngứa, khó chịu ở bắp chân, thậm chí là cảm giác này còn lan ra đầu gối, đi xuống mắt cá chân và cả bàn chân. Cơn đau sẽ càng tăng nặng khi người bệnh vận động chân;
  • Bắp chân bị bầm tím hoặc sưng tấy, cẳng chân đột nhiên bị đau;
  • Bệnh nhân khó có thể gập cổ chân lại hoặc kiễng chân lên.

Khi xuất hiện những triệu chứng trên thì bệnh nhân cần chú ý theo dõi những biểu hiện tiếp theo để có hướng xử trí đúng cách, kịp thời. Tuy rằng tình trạng căng cơ xuất hiện khá phổ biến nhưng bạn tuyệt đối không nên xem thường. Bởi vì đã có những trường hợp căng cơ nặng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng gây mất chức năng vận động, di chuyển của người bệnh.

Do vậy, nếu cơ thể có những dấu hiệu như khó đi lại, bắp chân đau cả khi nghỉ ngơi lẫn di chuyển, sưng cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân, đau tăng nặng vào ban đêm,... thì tốt nhất bệnh nhân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Căng cơ bắp chân thường khiến người bệnh cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bắp chân

Căng cơ bắp chân thường khiến người bệnh cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bắp chân

2. Nguyên nhân bị căng cơ bắp chân là do đâu?

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng căng cơ bắp chân ở người bệnh:

  • Vận động quá sức: đây là nguyên nhân bị căng cơ bắp chân phổ biến nhất. Theo đó, khi người bệnh vận động quá sức hay tập trung dồn lực quá nhiều ở cơ bắp chân sẽ làm kéo căng và làm tổn thương các sợi cơ ở bắp chân;
  • Nguyên nhân khác: mất nước, viêm gân, chấn thương rách cơ, huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh mạch máu ngoại vi, máu lưu thông kém, mất cân bằng dinh dưỡng, do dùng thuốc,...;
  • Các yếu tố nguy cơ: do lão hóa, hay đi giày cao gót, trước khi vận động thể chất không khởi động kỹ, mang giày không phù hợp khi tập thể thao, hoặc vận động viên các bộ môn cầu lông, chạy tiếp sức, điền kinh,... thường là đối tượng dễ bị căng cơ bắp chân do hay phải đột ngột chuyển từ trạng thái đứng yên sang tăng tốc nhanh rồi lại dừng chuyển động.

Nguyên nhân bị căng cơ bắp chân cũng là do người bệnh thường xuyên vận động, tập luyện quá sức

Nguyên nhân bị căng cơ bắp chân cũng là do người bệnh thường xuyên vận động, tập luyện quá sức

3. Một số biện pháp giúp điều trị tình trạng căng cơ bắp chân

Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của căng cơ bắp chân mà cần phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau sao cho phù hợp, ví dụ như:

Nghỉ ngơi, để bắp chân được thư giãn:

Nhằm giúp bắp chân được phục hồi nhanh chóng, tránh để tình trạng căng cơ trở nên nghiêm trọng hơn thì bệnh nhân cần nghỉ ngơi, điều dưỡng cơ thể khi khởi phát cơn đau. Tốt nhất là người bệnh cần dừng các động tác tập thể dục, chạy bộ để tránh nguy cơ tiếp tục làm tổn thương cơ bắp chân.

Chườm đá:

Phương pháp này có tác dụng giảm đau tức thì và hạn chế sung huyết cục bộ. Bạn có thể thực hiện theo cách như sau:

  • Bọc đá vào khăn vải hoặc dùng túi chườm lạnh để áp lên phần cơ bắp chân đang bị căng cứng;
  • Chườm liên tục trong vòng 15 - 20 phút;
  • Mỗi lần chườm lạnh nên cách nhau từ 2 - 3 giờ, thực hiện lặp lại cho đến khi tình trạng căng cơ được cải thiện.

Kéo căng cơ bắp chân:

Một số bài tập luyện cũng có tác dụng giảm thiểu hiện tượng căng cơ bắp chân một cách hiệu quả. Tuy nhiên nếu người bệnh vận dụng sai cách có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Do đó trước khi vận dụng bất kỳ bài tập gì thì tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.

Dùng cácthuốc giảm đaukhông kê đơn (NSAIDs):

Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn cũng có tác dụng giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng đau nhức do căng cơ gây nên, điển hình là các thuốc như naproxen (Aleve) hay ibuprofen (Motrin IB, Advil). Việc dùng thuốc cần phải được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân không được tự ý sử dụng vì nguy cơ lệ thuộc vào thuốc, “lờn thuốc”, gặp phải các tác dụng phụ gây tổn thương đến dạ dày, gan, thận là rất cao.

Chườm lạnh sẽ giúp làm giảm căng cơ bắp chân một cách nhanh chóng

Chườm lạnh sẽ giúp làm giảm căng cơ bắp chân một cách nhanh chóng

Phẫu thuật:

Ở những bệnh nhân bị căng cơ bắp chân nghiêm trọng có biến chứng rách cơ thì phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị cần thiết trong trường hợp này. Đây là biện pháp xâm lấn cần phải được thực hiện tại viện, cần nhiều thời gian chăm sóc, phục hồi sau phẫu thuật và cũng tiềm ẩn một số rủi ro biến chứng hậu phẫu nhất định. Do đó trước và trong quá trình thực hiện bệnh nhân cần phải cân nhắc, tuân thủ đúng những chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Trước khi phẫu thuật người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ tạo một đường rạch ở bắp chân bệnh nhân rồi khâu lại hai đầu cơ bị rách.

Bệnh nhân sau phẫu thuật cần phải bó bột cố định phần chân bị thương trong một vài tuần đến khi chân thực sự lành hẳn. Khi đã tháo bột bác sĩ sẽ có thêm căn dặn cụ thể về thời gian sau bao lâu người bệnh có thể vận động trở lại, có cần áp dụng các bài tậpvật lý trị liệuhay không. Đa phần người bệnh sẽ mất khoảng 6 tháng để hồi phục khả năng vận động của chân sau phẫu thuật.

Ngoài những biện pháp điều trị nêu trên, người bệnh cũng cần lưu ý không nên uống rượu bia hay đồ uống có cồn, không chườm nóng lên vùng chân bị thương, không xoa bóp hay tác động vật lý vào chỗ bắp chân đang bị căng cơ.

Hy vọng rằng thông qua bài viết này bạn đã biết được những nguyên nhân bị căng cơ bắp chân cũng như các biện pháp giúp khắc phục tình trạng này. Để được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề cơxương khớphay dịch vụ thămkhám sức khỏekhác, quý bạn đọc có thể liên hệ ngay qua hotline1900 56 56 56của Hệ thống Y tế MEDLATEC, tổng đài viên sẽ hỗ trợ bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map