Tin tức

Vai trò của xét nghiệm Cortisol đối với tuyến thượng thận

Ngày 15/04/2020
KTV. Vũ Thị Nga - Trung tâm xét nghiệm
Cortisol là một hormon steroid được xem là hormone chống stress. Nó có tác dụng làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, có tác động tăng cường miễn dịch, chống dị ứng. Vậy xét nghiệm cortisol là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ điều này.

1. Cortisol có chức năng gì trong cơ thể?

Cortisol hay còn có một tên gọi khác là Glucocorticoid, hormon này được sản xuất tại vỏ thượng thận để thực hiện một số chức năng sau:

  • Giúp cơ thể sử dụng glucose (tiêu thụ glucose để tạo thành năng lượng).

  • Kích thích sự chuyển hóa các chất dự trữ năng lượng trong cơ thể (như mỡ, các loại protein carbohydrate).

  • Khởi động các phản ứng nhằm mục đích đáp ứng đối với các tác nhân gây stress.

  • Chức năng miễn dịch và giảm chức năng gây viêm.

  • Kích thích sư tăng tiết acid dịch vị.

Nồng độ cortisol máu cũng góp vai trò cung cấp thêm các thông tin quan trọng liên quan đến chức năng của vỏ thượng thận. Bình thường việc bài xuất cortisol của vỏ thượng thận thay đổi theo nhịp ngày đêm, nồng độ trong máu đạt đỉnh điểm vào khoảng 6 - 8 giờ sáng và nồng độ cortisol thấp nhất là vào ban đêm.

Hình 1: Xét nghiệm cortisol máu

Hầu hết cortisol trong cơ thể được gắn với globulin và albumin, chỉ 5 - 10% cortisol là tự do nên được thận lọc đào thải qua nước tiểu. Định lượng cortisol niệu là xác định lượng cortisol tự do có trong nước tiểu 24 giờ và được sử dụng để đánh giá chức năng thượng thận. Ngoài ra xét nghiệm cortisol niệu còn góp phần cung cấp bằng chứng trực tiếp, đáng tin cậy về tình trạng bài xuất cortisol của tuyến thượng thận. Nói chung bình thường nồng độ cortisol niệu tăng khi nồng độ cortisol trong máu tăng cao và ngược lại khi nồng độ cortisol niệu giảm đồng nghĩa với cortisol trong máu thấp.

2. Việc xét nghiệm cortisol có những lợi ích gì?

Cortisol là một xét nghiệm dùng để chẩn đoán hội chứng Cushing: Trong trường hợp nồng độ cortisol tăng cao vào thời điểm từ 7 - 10 giờ sáng đồng thời nồng độ này cũng tăng tương ứng hay thậm chí còn tăng cao hơn vào thời điểm từ 16 - 20 giờ là một trong những gợi ý trong chẩn đoán.

Xét nghiệm cũng được sử dụng trong chẩn đoán suy thượng thận: khi lượng cortisol máu thấp vào buổi sáng.

Xét nghiệm giúp hỗ trợ chẩn đoán phân biệt suy thượng thận tiên phát và thứ phát khi kết hợp với nồng độ ACTH.

Một nồng độ cortisol niệu tăng cao bất thường là một bằng chứng gợi ý trong chẩn đoán cường thượng thận.

Xét nghiệm cortisol niệu cũng đóng vai trò hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả điều trị các bệnh lý tuyến thượng thận.

Hình 2: Biểu hiện phù của hội chứng Cushing

3. Ý nghĩa và cách thức tiến hành xét nghiệm

Xét nghiệm cortisol máu được bác sĩ yêu cầu thực hiện nhằm mục đích:

  • Chẩn đoán phân biệt giữa suy thượng thận tiên phát và thứ phát.

  • Chẩn đoán phân biệt hội chứng Cushing với hội chứng bệnh Cushing.

Xét nghiệm cortisol niệu nhằm mục đích:

  • Góp phần vào việc chẩn đoán cường tuyến thượng thận (test sàng lọc hội chứng Cushing), bệnh Addison (hội chứng suy thượng thận muộn), ngoài ra còn sử dụng xét nghiệm này để theo dõi hiệu quả điều trị các hội chứng trên.

  • Hỗ trợ chẩn đoán bất thường 11β - hydroxy steroid dehydrogenase là do bẩm sinh hoặc mắc phải.

  • Chẩn đoán tình trạng tăng Aldosteron do uống quá nhiều thuốc có chứa corticoid.

Xét nghiệm được thực hiện trên mẫu máu và mẫu nước tiểu 24 giờ.

Đối với máu: Cần yêu cầu người bệnh nhịn ăn và hạn chế các hoạt động thể lực khoảng 10 - 12 tiếng trước khi lấy máu. Cần ngừng tất cả các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ cortisol (nhất là các loại thuốc tránh thai loại kết hợp estrogen và progesterone) trước khi lấy máu 24 giờ. Trong trường hợp muốn xét nghiệm để chẩn đoán hội chứng Cushing thì lấy máu vào 2 thời điểm là 7h - 10h sáng và 16h - 20h tối .

Đối với nước tiểu: thu thập nước tiểu mẫu nước tiểu 24 giờ vào bình chứa chất bảo quản do nhân viên y tế cung cấp và được bảo quản trong tủ mát.

Giá trị bình thường:

  • Cortisol máu:

  • 7h -10h: 171 - 536 nmol/l (6,2 - 11,9 µg/dl).

  • 16h - 20h: 64 - 327 nmol/l (2,3 - 11,9 µg/dl).

  • Cortisol niệu:

  • 27,6 - 276 mmol/ngày (10 - 100 µg/ngày).

Cortisol trong máu tăng trong thường gặp trong các nguyên nhân như:

  • U biểu mô tuyến thượng thận (adenoma).

  • Bỏng.

  • Hội chứng Cushing.

  • Sản giật, có thai, các khối u sản xuất ACTH không đúng chỗ.

  • Làm việc, vận động quá sức.

  • Cường tuyến yên.

  • Cao huyết áp.

  • Cườngtuyến giáp.

  • Béo phì, tình trạng nhiễm trùng.

  • Viêm tụy cấp.

  • Sốc, tình trạng stress.

Nồng độ Cortisol máu giảm trong các trường hợp:

  • Bệnh Addison.

  • Suy thượng thận.

  • Hạ đường huyết.

  • Suy giáp.

  • Bệnh gan.

  • Hoại tử tuyến yên sau khi sinh.

Nồng độ Cortisol niệu tăng trong các trường hợp:

  • Hội chứng Cushing.

  • Có thai.

  • Ung thư phổi.

  • Vô kinh ở nữ (Amenorrhea).

  • Stress.

  • Cường tuyến giáp.

  • Khối u tuyến yên.

Giảm nồng độ Cortisol niệu trong trường hợp:

  • Bệnh Addison.

  • Rối loạn chức năng cầu thận.

  • Suy tuyến yên.

  • Suy giáp.

Hình 3: Béo phì gây tăng nồng độ Cortisol trong máu

Các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ Cortisol mà không do bệnh lý như:

  • Nồng độ cortisol máu và nước tiểu có thể thay đổi khi ngủ và khi đang trong tình trạng stress hoặc khi làm việc quá sức.

  • Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang, người nghiện rượu, trầm cảm, rối loạn ăn, hay đang bị một bệnh lý cấp tính nồng độ cortisol niệu có thể tăng cao một cách bất thường (song nồng độ này không vượt quá 300 µg/ngày).

  • Sử dụng các thuốc như: amphetamine, lithium carbonat, methadone, nicotin, thuốc ngừa thai uống, estrogen, cồn ethylene, spironolactone, các loại glucocorticoid tổng hợp có thể gây tăng cortisol máu.

  • Sử dụng các loại thuốc như: dexamethason, levodopa, phenytoin, androgen, barbiturat trước khi tiến hành xét nghiệm có thể làm giảm nồng độ cortisol máu.

  • Thuốc có thể làm tăng cortisol niệu như: thuốc loại glucocorticoid, estrogen, nicotin amphetamin, hormon hướng thượng thận (corticotropin), carbamazepin, thuốc ngừa thai uống, phenytoin, phenobarbital, primidon, spironolacton.

  • Sử dụng thuốc dexamethason có thể làm giảm nồng độ cortisol niệu.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang triển khai dịch vụ xét nghiệm cortisol máu và nước tiểu để phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị các bệnh có liên quan. Ngoài ra bệnh viện còn triển khai thực hiện hàng trăm loại xét nghiệm khác, luôn sẵn sàng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khi bạn cảm thấy sức khỏe có bất thường thì hãy gọi điện đến tổng đài 1900 565656 để đặt lịch tư vấn một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map