Từ điển bệnh lý

Rối loạn kinh nguyệt : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-09-2021

Tổng quan Rối loạn kinh nguyệt

Chu kỳ sinh dục còn có tên gọi khác là chu kỳ kinh, vòng kinh. Thông thường, người phụ nữ sẽ có chu kỳ kinh kéo dài khoảng 28 ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chu kỳ này có thể dao động từ 22 - 35 ngày hoặc dài hơn. Mỗi kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt, cho đến khi kết thúc, tức là ngày bắt đầu của vòng kinh sau.

1. Cơ chế của chu kỳ kinh

Chu kỳ sinh dục ở phụ nữ thường diễn ra theo cơ chế sau:

Vùng dưới đồi sản sinh Gn-RH - là hormon có tác dụng kích thích tuyến yên tiết: FSH và LH. Được biết, FSH là hormon tham gia vào quá trình phát triển của các nang noãn ở buồng trứng. Dưới tác động của hormon LH, nang noãn sẽ trở nên căng phồng, làm vỏ nang trở nên mỏng và yếu dần. Đồng thời, các nang này còn tiết ra hormon Estrogen.

Khi LH đạt đến nồng độ nhất định, nang noãn sẽ được phóng ra ngoài. Lúc này nếu gặp tinh trùng thì quá trình thụ tinh sẽ xảy ra, sau đó hình thành hợp tử và di chuyển đến tử cung. Ngược lại, các nang noãn không gặp tinh trùng sẽ thoái hóa, kết hợp với tế bào còn lại của vỏ để tạo thể vàng.

Thể vàng sản sinh liên tục các hormon Estrogen và Progesteron. Khi đạt nồng độ đủ cao, chúng sẽ gây ức chế vùng dưới đồi, gây đình trệ hoạt động giải phóng Gn-RH. Do đó, tuyến yên sẽ không nhận được các kích thích nên thể chế tiết ra hormon hướng sinh dục.

Sau một thời gian thể vàng bị teo nhỏ lại, lúc này hàm lượng hormon Estrogen và Progesterone giảm xuống gây bong tróc niêm mạc tử cung, từ đó xuất hiện kinh nguyệt. Ngoài ra, vùng dưới đồi bị ức chế sẽ kích hoạt trở lại và bắt đầu sản sinh Gn-RH, để tạo nên một chu kỳ kinh mới.

Vì vậy, chu kỳ sinh kinh nguyệt sẽ luôn xảy ra nhằm giúp người phụ nữ hoàn thiện khả năng sinh sản.

Chu kỳ sinh kinh nguyệt

Chu kỳ sinh kinh nguyệt

2. Phân loại

Vòng kinh thường bao gồm hai loại:

- Vòng kinh không phóng noãn: là vòng kinh không có hiện tượng nang noãn phóng ra ngoài. Kinh nguyệt chỉ xuất hiện khi có sự giảm xuống đột ngột của Estrogen.

- Vòng kinh có phóng noãn, có hình thành thể vàng: là dạng vòng kinh có nang trứng phóng ra khỏi vỏ bọc, đồng thời tạo nên thể vàng từ các tế bào sót lại. Vì vậy, khi hàm lượng Estrogen và Progesterone do thể vàng tiết ra giảm thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện.

3. Định nghĩa

Vậy kinh nguyệt là gì? Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra có chu kỳ vào mỗi tháng. Khi hàm lượng của các loại hormon tiết ra từ thể vàng giảm, thì niêm mạc tử cung của người phụ nữ sẽ bị bong tróc, gây chảy máu.

4. Tính chất của kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt ở người phụ nữ có các tính chất như:

- Hiện tượng bóc tróc niêm mạc tử cung thường diễn ra không cùng lúc với nhau, sẽ có nơi niêm mạc bong rồi, có nơi đang bong hoặc chưa bong. Vì vậy mà kỳ kinh có thể kéo dài từ 3 - 5 ngày.

- Ở vòng kinh không phóng noãn, chỉ có hormon Estrogen tác động vào niêm mạc tử cung và gây bong tróc, do đó máu chảy ra sẽ có màu đỏ tươi - máu động mạch. Ngược lại ở vòng kinh có phóng noãn, máu kinh thường có màu đỏ thẫm.

- Máu xuất hiện trong vòng kinh là hỗn hợp dịch máu không đông, có mùi nồng không tanh. Trong hỗn hợp này còn có thể chứa các chất nhầy của tử cung, cổ tử cung, vòi trứng, mảnh tế bào bong tróc của niêm mạc và âm đạo. Thông qua mỗi kỳ kinh, chúng sẽ được tống ra ngoài. Do đó, lượng máu chảy ra luôn dao động trong khoảng 60 - 80 ml, tùy theo độ tuổi mà lượng máu có thể thay đổi ít hay nhiều.


Nguyên nhân Rối loạn kinh nguyệt

1. Rong kinh - rong huyết

Nguyên nhân dẫn đến rong kinh và rong huyết là do:

+ Hoạt động nội tiết trong cơ thể bị rối loạn, vùng dưới đồi ức chế sản sinh Gn-RH khiến tuyến yên không giải phóng đủ hormon FSH và LH.

+ Tình trạng hợp tử làm tổ ngoài tử cung.

+ Sau khi đẻ, một số người bị viêm niêm mạc tử cung.

+ Mắc phải u xơ tử cung, polyp buồng tử cung.

+ Các bệnh liên quan đến rối loạn đông máu.

+ Tinh thần căng thẳng, chịu nhiều stress áp lực lớn từ công việc.

Tinh thần căng thẳng, chịu nhiều stress áp lực lớn từ công việc

Tinh thần căng thẳng, chịu nhiều stress áp lực lớn từ công việc

2. Vô kinh

+ Nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát là: rối loạn nhiễm sắc thể gây ra bất thường ở buồng trứng; vùng dưới đồi - tuyến yên có vấn đề; cơ quan sinh dục bị dị dạng; tổn thương ở buồng trứng, thượng thận - sinh dục; tinh hoàn nữ tính hóa.

+ Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát bao gồm: vùng dưới đồi bị ảnh hưởng; tuyến yên suy yếu, xuất hiện khối u. Ngoài ra, bệnh còn do một số nguyên nhân như:

  • Suy buồng trứng, khối u nam tính hoá buồng trứng, hội chứng Stein-Leventhal.
  • Tử cung dính buồng tử cung, mất niêm mạc tử cung.
  • Nội tiết rối loạn khi mắc hội chứng Cushing, bệnh Addison, Basedow.
  • Sử dụng thuốc hormon, thuốc tránh thai trong thời gian dài, khiến vùng dưới đồi - tuyến yên bị ức chế, từ đó tăng tiết Prolactin làm niêm mạc tử cung teo lại.

Triệu chứng Rối loạn kinh nguyệt

1. Rong kinh - rong huyết

Rong kinh là tình trạng máu kinh từ tử cung chảy ra nhiều và kéo dài trên 7 ngày. Trong khi đó, rong huyết là tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài trên 7 ngày. Đây đều là các hiện tượng rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh. Chỉ khác nhau ở điểm, rong kinh xảy ra theo chu kỳ nhất định còn rong huyết thì không.

- Triệu chứng:

Khi bị rong kinh - rong huyết, máu tươi sẽ chảy ra nhiều trong ngày, đây là triệu chứng xuất hiện phổ biến sau một vòng kinh. Khi cơ thể mất nhiều máu sẽ dẫn đến những biểu hiện toàn thân như: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt.

- Phân loại:

Dựa vào thời điểm xuất hiện, rong kinh - rong huyết được chia thành các loại như:

+ Rong kinh - rong huyết tuổi trẻ: thường xảy ra vào độ tuổi dậy thì với những biểu hiện như: máu tươi chảy ra nhiều, kéo dài và có tính lặp lại.

+ Rong kinh - rong huyết tiền mãn kinh: là tình trạng rong kinh chảy máu kéo dài, về sau máu không chảy theo cơ chế kinh nguyệt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do ác tính hoặc niêm mạc tử cung bị tổn thương (viêm). Thông qua phương pháp nạo niêm mạc tử cung, có thể chẩn đoán chính xác được nguyên nhân, đồng thời cầm máu và chấm dứt tình trạng chảy máu kéo dài. Nếu nguyên nhân gây bệnh không phải là ác tính thì có thể tiến hành điều trị triệu chứng và định hướng sử dụng hormon.

+ Rong kinh - rong huyết lúc sinh đẻ: thường xảy ra ở nhóm người có độ tuổi từ 18 - 45. Nếu tử cung gặp phải các tổn thương như: u xơ tử cung, polyp buồng trứng, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung,... thì người phụ nữ sẽ mắc phải bệnh này. Với các biểu hiện giống cường kinh như: máu chảy ra nhiều hơn so với bình thường, người bệnh bị tụt huyết áp, mạch đập nhanh. Trong trường hợp lượng máu mất vượt quá 200ml/ ngày thì được gọi là băng kinh.

+ Rong kinh do chảy máu trước kinh: là tình trạng tử cung chảy ra một lượng máu trước khi xuất hiện kinh nguyệt chính thức. Tình trạng này diễn ra trong vài ngày khiến vòng kinh kéo dài hơn bình thường. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những tổn thương như: niêm mạc tử cung bị viêm, polyp buồng tử cung,…

+ Rong kinh do chảy máu sau kinh: là tình trạng chảy ra ít máu sau khi kỳ kinh đã kết thúc 1 - 2 ngày. Nguyên nhân có thể do: viêm niêm mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, niêm mạc tử cung bong chậm hoặc tái tạo chậm.

Rong kinh do chảy máu sau kinh

Rong kinh do chảy máu sau kinh

+ Rong kinh do quá sản nội mạc tử cung: là tình trạng kinh chậm, ra huyết nhiều và kéo dài. Nguyên nhân là do cường estrogen và kéo dài. Phương pháp điều trị bệnh hữu hiệu là nạo niêm mạc tử cung, đồng thời loại trừ các nguyên nhân thực thể như: chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, bệnh lý rối loạn đông máu,… Sau đó tiến hành điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

2. Vô kinh

Vô kinh là hiện tượng người phụ nữ không xuất hiện kinh nguyệt trong một khoảng thời gian.

- Phân loại: Vô kinh gồm 2 loại:

+ Vô kinh nguyên phát: là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt sau 18 tuổi.

+ Vô kinh thứ phát: là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt sau 3 - 6 tháng đối với chu kỳ kinh đều hoặc không đều.

3. Thống kinh

Thống kinh là tình trạng xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng khi hành kinh. Cơn đau có thể lan xuyên ra cột sống, lan xuống vùng đùi hoặc lan ra toàn bộ vùng bụng. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, căng vú, buồn nôn,...

Thống kinh có thể phân thành hai loại là: nguyên phát và thứ phát.

- Thống kinh nguyên phát thường xảy ra sau tuổi dậy thì, chủ yếu do các nguyên nhân cơ năng.

- Thống kinh thứ phát là tình trạng xảy ra sau nhiều năm xuất hiện hành kinh bình thường, đến nay mới xuất hiện triệu chứng đau vùng bụng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là tổn thương thực thể: viêm dính tử cung, tử cung đổ sau, chít hẹp lỗ cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u xơ ở eo tử cung, polyp cổ tử cung, u ở lỗ cổ tử cung,…


Phòng ngừa Rối loạn kinh nguyệt

Để phòng ngừa các rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ nên duy trì lối sống lành mạnh và hình thành các thói quen tốt như:

- Tập luyện thể dục đều đặn, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích khác.

- Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.

- Áp dụng các liệu pháp giúp thư giãn cơ thể và giảm bớt căng thẳng, stress.

- Khi sử dụng thuốc nội tiết hormon, thuốc tránh thai,... cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên dùng quá thời gian cho phép.

- Vệ sinh sạch sẽ trong những ngày hành kinh, sau khoảng 4 - 5 tiếng nên thay băng mới, hạn chế quan hệ để tránh bị nhiễm trùng.

- Kiểm tra sức khỏe, thăm khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Kiểm tra sức khỏe, thăm khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường

Kiểm tra sức khỏe, thăm khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường


Các biện pháp điều trị Rối loạn kinh nguyệt

1. Rong kinh - rong huyết

Đối với rong kinh - rong huyết do rối loạn nội tiết thì:

+ Điều trị tích cực gồm:

- Nạo buồng là phương pháp cầm máu tốt nhất.

Nạo buồng là phương pháp cầm máu tốt nhất

Nạo buồng là phương pháp cầm máu tốt nhất

- Sử dụng hormon nội tiết.

- Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc co tử cung (Oxytocin, Ergometrin), thuốc cầm máu (Transamin),... theo chỉ định.

- Trong trường hợp thiếu máu quá nhiều (Hb<65g/l) thì cần phải truyền máu gấp.

+ Điều trị dự phòng: người bệnh nên sử dụng các vòng kinh nhân tạo như: thuốc tránh thai kết hợp, Cyclo-progynova 2mg,…

2. Vô kinh

Điều trị: Trước khi điều trị cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời loại bỏ các nguyên nhân thực thể, sau đó để làm xuất hiện kinh nguyệt thì tiến hành sử dụng các hormon nội tiết như: Progestin, Estrogen,…

3. Thống kinh

- Thống kinh thứ phát: Điều trị thống kinh thứ phát cần dựa vào nguyên nhân đã xác định từ trước.

- Thống kinh cơ năng: Người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau hoặc điều trị bằng hormon như: Progestin.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map